HoREA đề nghị ngành điện giúp giảm chi phí dự án nhà
Ngày 9-8, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã có buổi làm việc với Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVN HCMC) về chi phí đầu tư lưới điện đến từng hộ dân đang gây tranh cãi giữa các bên thời gian qua.
Tại cuộc gặp, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng theo Luật Điện lực năm 2004 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực năm 2012, đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện có trách nhiệm đầu tư xây dựng trạm điện, công-tơ điện và đường dây dẫn điện đến công-tơ để bán điện cho khách hàng.
Tuy nhiên, theo Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 thì chủ đầu tư phải hoàn chỉnh hạ tầng trước khi bàn giao bất động sản cho khách. Trong khi đó, nhà ở thương mại có giá trị đầu tư hệ thống cấp điện chiếm 1%-2% tổng vốn đầu tư dự án, nếu tách được chi phí này ra thì người mua nhà sẽ được mua giá thấp hơn.
Ông Châu cho biết đã nhiều lần báo cáo về việc các doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản phải đầu tư xây dựng toàn bộ hệ thống lưới điện trung thế, trạm biến thế, lưới điện hạ thế… kéo đến từng căn hộ rồi bàn giao toàn bộ tài sản này cho công ty điện lực khai thác kinh doanh mà không được bồi hoàn. Thực tế này làm gia tăng chi phí, đội giá thành căn hộ và người tiêu dùng phải chi trả cho các khoản đầu tư này.
“Sau cuộc gặp với EVN HCMC, HoREA sẽ có văn bản kiến nghị UBND TP, Bộ Công Thương đề nghị ngành điện có cơ chế hoàn trả cho chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại trung bình (có giá từ 22 triệu đồng/m2 trở xuống) các chi phí đầu tư lưới điện tại dự án” - ông Lê Hoàng Châu cho biết.
Ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc EVN HCMC, cho biết EVN HCMC ghi nhận những đề nghị của HoREA và sẽ có báo cáo với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Cũng theo ông Bảo, trong buổi làm việc, phía HoREA đề nghị hoàn trả chi phí đầu tư lưới điện cho nhà ở thương mại giá cao. Đề nghị này không khả thi, có khả năng đẩy giá thành sản xuất điện lên cao và ảnh hưởng đến giá bán điện chung trên toàn quốc.
Cùng ngày, EVN có báo cáo về kết quả sản xuất - kinh doanh 3 năm 2013-2015. Theo đó, giai đoạn này, EVN đã vượt kế hoạch hằng năm nhà nước giao, đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, có dự phòng trên 20%. Tổng sản lượng EVN cung ứng lên hệ thống điện quốc gia 3 là 430,7 tỉ KWh, tăng trưởng bình quân 10,67%. Tổng sản lượng điện thương phẩm cung cấp cho đất nước giai đoạn 2013-2015 là 387,6 tỉ KWh; tốc độ tăng điện thương phẩm bình quân giai đoạn này là 10,86%, tăng 1,8 lần so với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm là 6,03%.
Cũng trong giai đoạn này, doanh thu của EVN liên tục tăng, lần lượt đạt 187.785 tỉ đồng; 209.245 tỉ đồng; 243.509 tỉ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế lại có xu hướng giảm từ 10.369 tỉ đồng xuống 5.352 tỉ đồng và 4.595 tỉ đồng. Trong khi đó, số tiền mà EVN nộp ngân sách vẫn ở mức cao, khoảng 15.000 tỉ đồng mỗi năm.
Theo T.Nhân - P.Nhung
Người lao động