TPHCM tìm vị trí quy hoạch các trung tâm logistics
TPHCM đang tìm các vị trí để quy hoạch xây dựng các trung tâm logistics có quy mô lớn nhằm đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa ngày càng tăng của doanh nghiệp.
Trung tâm logistics của Transimex tại khu công nghệ cao TPHCM vừa được đưa vào sử dụng hồi tháng 4-2016 - Ảnh: Anh Quân
Hôm nay 19-7, Sở Công Thương TPHCM cùng Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến doanh nghiệp về quy hoạch, phát triển logistics tại TPHCM.
Theo báo cáo của VLA, hiện nay các trung tâm logistics của TPHCM nằm rải rác ở các khu công nghiệp như Tân Tạo, khu công nghệ cao và một số khu vực lân cận như Sóng Thần (Bình Dương ), Biên Hòa (Đồng Nai). VLA đề xuất bốn địa điểm có thể quy hoạch thành các trung tâm logistics có quy mô lớn gồm Hiệp Phước, Cát Lái, Củ Chi, Linh Trung (Thủ Đức).
Cụ thể, khu vực Hiệp Phước trong tương lai sẽ là cảng trung tâm của TPHCM. Khu vực này có khả năng kết nối đường thủy nội địa tới Đồng bằng sông Cửu Long, các khu vực tại Đông Nam bộ, và nằm ở ngoại ô TPHCM.
Tuy nhiên, khu vực này còn nhiều trở ngại như luồng Soài Rạp vừa mới nạo vét xong đã bị bồi lắng, hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn chọn đi luồng Lòng Tàu. Ngoài ra, khu vực Hiệp Phước thiếu nguồn hàng từ các khu công nghiệp.
VLA cho rằng nếu xây dựng trung tâm logistics tại đây thì phải phát triển khu công nghiệp hoặc phải kết nối nguồn hàng từ Tây Nam bộ qua đường sông lên Hiệp Phước.
Khu vực thứ 2 là Cát Lái, nơi đây có nguồn hàng lớn, việc kết nối đường bộ đến đường cao tốc, đường vành đai 2 rất thuận tiện. Tuy nhiên, quỹ đất để xây dựng trung tâm logistics tại đây còn rất ít, nếu xây dựng thì xung đột với khu đô thị mới. Khó khăn lớn nhất của khu vực Cát Lái là tình trạng kẹt xe hiện nay chưa giải quyết được.
Địa điểm thứ 3 được đề xuất là Củ Chi, là địa điểm gần các khu công nghiệp tại Long An, Tây Ninh, kết nối với thị trường tiềm năng Campuchia. Khu vực này quỹ đất còn nhiều. Tuy nhiên, địa điểm này phụ thuộc nhiều vào giao thông đường bộ.
Địa điểm cuối cùng là Linh Trung (Thủ Đức), khu vực này kết nối tốt với các khu công nghiệp của Bình Dương, TPHCM, Đồng Nai bằng cả đường bộ và đường thủy. Thế nhưng, địa điểm này phụ thuộc nhiều vào giao thông đường bộ và sẽ phải cạnh tranh với các trung tâm logistics đang hoạt động.
Để xây dựng được các trung tâm logistics phát huy hiệu quả, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA, cho rằng TPHCM cần thành lập một cơ quan quản lý logistics cho thành phố hoặc liên kết vùng. Bên cạnh đó, cần xây dựng các quy định cụ thể về an toàn và các điều kiện khai thác trung tâm logistics.
Đồng thời, phải đảm bảo quỹ đất để thành lập và khai thác các trung tâm logistics và tạo thuận lợi thương mại, nhất là thủ tục hải quan. Theo ông Hiệp, TPHCM muốn có các trung tâm logistics quy mô lớn đáp ứng được nhu cầu xuất nhập khẩu thì cần có sự chung tay của "ba nhà" là nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà nghiên cứu gồm cả trường đại học.
Góp ý cho việc xây dựng các trung tâm logistics tại TPHCM, ông Vũ Ninh, đại diện Công ty cổ phần Gemadept, cho rằng TPHCM đang đầu tư cho đường bộ quá nhiều, trong khi vận tải đường sông đang bị bỏ quên. Do vậy, ông cho rằng cần đầu tư thêm các bến cảng nội địa để đẩy mạnh vận tải đường sông nhằm giảm tải cho đường bộ.
Liên quan đến việc xây dựng các trung tâm logistics, ông Ninh đề nghị: "Thành phố phải đấu thầu công khai minh bạch. Đơn vị xây dựng các trung tâm logistics phải là các doanh nghiệp khai thác chứ không để cho một doanh nghiệp không có chuyên môn về logistics xây dựng rồi bắt các doanh nghiệp logistics vào đó thuê”.
Tại hội nghị, một số doanh nghiệp đề xuất thêm khu vực quận 9 là địa điểm rất tốt để xây dựng các trung tâm logistics bởi khu vực này ngoài kết nối đường bộ còn có vận tải đường sông đi cảng Cái Mép rất thuận lợi. Hơn nữa, TPHCM có thể liên kết với Bình Dương, Đồng Nai để quy hoạch các vị trí dọc sông Đồng Nai thành một trung tâm logistics liên vùng.
Nói thêm về việc quy hoạch trung tâm logistics dọc các sông để tận dụng vận tải đường thủy, ông Lê Phúc Tùng, Giám đốc ICD Transimex, kiến nghị chính quyền TPHCM nên giữ lại cụm cảng Trường Thọ ở quận Thủ Đức vì khu vực này đảm nhận kết nối hàng hóa với cảng Cái Mép bằng xà lan, giúp giảm áp lực xe trên đường bộ, đồng thời giảm tải cho cảng Cát Lái.
Lê Anh (TBKTSG)