Đồng Nai duyệt quy hoạch khu đô thị - dịch vụ 2.000ha gần sân bay Long Thành, dự kiến 70.000 người vào năm 2030
Ngày 30/9, UBND tỉnh Đồng Nai vừa duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị - dịch vụ Long Thành. Đây là quy hoạch làm cơ sở xác định dự án đầu tư trong đô thị và lập quy hoạch chi tiết.
Theo đó, khu đô thị - dịch vụ Long Thành có vị trí tại xã Tam An, xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Khu đô thị - dịch vụ có phạm vi ranh giới phía Đông giáp xã An Phước và khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành; phía Đông giáp phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa và khu công nghiệp Long Thành; phía Tây giáp sông Đồng Nai và TPHCM; phía Nam giáp huyện Nhơn Trạch.
Diện tích lập quy hoạch gần 2.083ha. Trong đó xã Tam An hơn 1.795ha; xã An Phước gần 288ha. Dân số hiện trạng khoảng 15.534 người; quy mô dự kiến đến năm 2030 từ 65.000 – 70.000 người; đến 2050 lấp đầy từ 130.000 – 150.000 người.
Tính chất và chức năng của dự án sẽ là khu phức hợp, đô thị - dịch vụ được quy hoạch định hướng với cơ sở hạ tầng đồng bộ, tiết kiệm năng lượng, gắn liền với thiên nhiên, gắn kết chặt chẽ với không gian TP.HCM, thành phố Biên Hòa và đô thị mới Nhơn Trạch, đô thị Long Thành.
Dự án đầu tư gồm các khu chức năng chính như: Khu đô thị và thương mại dịch vụ, phát triển gắn kết, khai thác tối đa địa hình tự nhiên và hệ thống kênh rạch hiện có của khu vực; Khu phức hợp giáo dục đào tạo, nghiên cứu – triển khai công nghệ và các dịch vụ tiện ích khác; Khu văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch cấp khu vực...
Được biết, theo Quyết định số 586/QĐ-TTg ngày 03/07 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho tỉnh Đồng Nai lấy 2 khu vực làm động lực phát triển mới của tỉnh gồm khu vực đô thị sân bay Long Thành và khu vực hành lang sông Đồng Nai.
Trong đó, khu vực đô thị sân bay Long Thành tại huyện Long Thành sẽ phát triển khu đô thị tại phía Tây Nam Cảng hàng không quốc tế Long Thành; phát triển các khu cụm công nghiệp, logistics phía Đông Nam Cảng hàng không quốc tế Long Thành, liên kết với hệ thống công nghiệp - dịch vụ hậu cần cảng biển Cái Mép - Thị Vải; phát triển chuỗi đô thị - công nghiệp - dịch vụ theo trục cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Quốc lộ 51 và Vành đai 4 vùng TP.HCM.
(Theo Nhịp Sống Thị Trường)