Hà Nội: Quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài
UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 3740/QĐ-UBND, phê duyệt quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài (đường Tố Hữu) tỷ lệ 1/500 tại các phường Nhân Chính, Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân) và phường Mễ Trì, Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), TP.Hà Nội.
Theo quy hoạch, tuyến đường nghiên cứu có chiều dài khoảng 2,1 km; diện tích đất nghiên cứu khoảng 95,5ha (954.993m2); dự kiến dân số hơn 29 nghìn người. Khu vực nghiên cứu nằm về phía Tây Nam TP. Hà Nội thuộc ranh giới hành chính thuộc các phường Mễ Trì, Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) và phường Nhân Chính, Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân), TP. Hà Nội.
Tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài (đường Tố Hữu) theo hướng Đông Bắc - Tây Nam có điểm đầu là nút giao thông Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lương, điểm cuối đến sông Nhuệ, có phía Đông giáp dân cư, các cơ quan, đơn vị và đất trống; phía Bắc giáp đường Khuất Duy Tiến; phía Tây và phía Nam giáp sông Nhuệ.
Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường
Lê Văn Lương kéo dài. Ảnh minh họa
Về giải pháp tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và thiết kế đô thị, tuyến đường Tố Hữu thuộc khu vực khuyến khích xây dựng cao tầng, có ưu thế về cảnh quan và tận dụng các không gian mở (mặt nước, sông, hồ, công viên cây xanh...), các vị trí giao điểm của các tuyến giao thông gắn với các không gian để tạo lập không gian và điểm nhấn kiến trúc - cảnh quan.
Trục, tuyến kiến trúc chủ đạo nằm 2 bên đường Tố Hữu với các công trình cao từ 15 - 45 tầng, tầng cao phổ biên trên mặt đường là 25 tầng. Những khối “đế” - thương mại, dịch vụ, có tầng cao 3 - 7 tầng. Ngoài ra, tổ chức 2 công viên cây xanh (12 - 20ha), liên kết với hành lang xanh sông Nhuệ và hệ thống cây xanh - mặt nước ở ngoài khu vực nghiên cứu như công viên Nhân Chính, công viên Indiragandi, Văn Khê,... tạo tuyến liên kết xanh cho tuyến đường.
Đồng thời, quy hoạch cũng quy định các công trình xây dựng tầng hầm phải đảm bảo ranh giới xây dựng tầng hầm không được vượt quá chỉ giới đường đỏ và ranh giới ô đất đã được xác định trong quy hoạch chi tiết được phê duyệt, đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường, tổ chức lối lên xuống tầng hầm thuận tiện, phòng chống cháy nổ và thoát nạn khi có sự cố theo quy định.
Ngoài ra, trong khuôn viên ô đất của từng công trình đảm bảo diện tích đỗ xe, các hệ thống kỹ thuật phụ trợ khác phù hợp tiêu chuẩn và phục vụ cho công trình. Những công trình nhà trẻ, công trình công cộng phải đảm bảo diện tích cây xanh, sân chơi theo quy định và có hình thức kiến trúc phù họp với chức năng sử dụng và không gian cảnh quan khu vực.
Công trình nhà ở thấp tầng có hình thức đa dạng nhưng thống nhất theo một số kiểu mẫu, có mái, tầng cao và màu sắc thống nhất trong một dãy nhà. Hình thức kiến trúc chủ đạo, vật liệu, ánh sáng hoàn thiện, màu sắc công trình phải phù hợp với không gian chung và tính chất sử dụng. Công trình nhà ở cao tầng, hỗn hợp có hình thức kiến trúc hiện đại và thống nhất về phong cách; vật liệu, màu sắc công trình phù hợp với chức năng sự dụng, đồng thời hài hòa với cảnh quan khu vực...
(Theo Thời báo Ngân hàng)