Những chính sách ảnh hưởng đến thị trường địa ốc có hiệu lực từ tháng 11
Từ tháng 11/2023, những chính sách bất động sản nào sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành?
Giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2023
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 15-7-2023, vừa qua Thủ tướng đã ban hành Quyết định 25 về việc giảm tiền thuê đất năm 2023.
Quyết định 25 chính thức có hiệu lực từ ngày 20/11, áp dụng đối với người thuê đất là tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức thuê đất trả tiền hàng năm. Trường hợp người thuê đất không thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền thuê đất, hết thời hạn được miễn, giảm tiền thuê đất và trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan cũng sẽ thuộc đối tượng áp dụng.
Theo đó, người thuê đất sẽ được giảm 30% tiền thuê đất phải nộp (phát sinh thu) của năm 2023; không thực hiện giảm trên số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước năm 2023 và tiền chậm nộp (nếu có).
Mức giảm tiền thuê đất được tính trên số tiền thuê đất phải nộp (phát sinh thu) của năm 2023. Trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định hoặc/và khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật về tiền thuê đất thì mức giảm 30% tiền thuê đất được tính trên số tiền thuê đất phải nộp (nếu có) sau khi đã được giảm hoặc/và khấu trừ theo quy định của pháp luật (trừ số tiền thuê đất được giảm theo Quyết định số 01/2023 của Thủ tướng Chính phủ).
Để được giảm tiền, người thuê đất phải nộp một bộ hồ sơ gồm: Giấy đề nghị giảm tiền thuê đất năm 2023 theo mẫu và Quyết định cho thuê đất hoặc Hợp đồng thuê đất hoặc sổ hồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (bản sao), cho cơ quan thuế quản lý thu tiền thuê đất, Ban Quản lý Khu kinh tế, Ban Quản lý Khu công nghệ cao, cơ quan khác theo quy định của pháp luật về quản lý thuế kể từ thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31-3-2024.
Các vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi lĩnh vực xây dựng
Ngày 3-10, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 08/2023 quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trực tiếp tiếp xúc, giải quyết công việc trong lĩnh vực xây dựng.
Cụ thể, đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Xây dựng, có 15 nhóm vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi vị trí như: Kiểm tra, đánh giá hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng; kiểm tra, đánh giá hồ sơ đề nghị công nhận tổ chức xã hội - nghề nghiệp đủ điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng;…
Tương tự, tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực xây dựng tại chính quyền địa phương cũng có 15 nhóm vị trí phải định kỳ chuyển đổi như: Thẩm định, lập kế hoạch, kiểm soát, giám sát, điều phối, đền bù, giải phóng mặt bằng; kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng; thẩm định nhiệm vụ, nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng…
Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức công tác tại các vị trí nêu trên là từ đủ 3 năm đến 5 năm. Thời điểm tính thời hạn chuyển đổi vị trí công tác là thời điểm cấp có thẩm quyền ban hành văn bản điều động, bố trí, phân công nhiệm vụ đối với công chức, viên chức.
Thông tư 08/2023/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 20-11-2023.
( Theo Nhịp Sống Thị Trường)