Bình Định lập quy hoạch chung đô thị Canh Vinh hơn 9.900 ha nằm bên cạnh thành phố Quy Nhơn
đô thị Canh Vinh sẽ là vùng phát triển đô thị gắn liền với phát triển công nghiệp hiện đại, với động lực là khu công nghiệp - đô thị - Dịch vụ Becamex Bình Định. Đây cũng là đầu mối giao thông quan trọng tại cửa ngõ phía Tây Nam của tỉnh.
UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành Quyết định số 38/QĐ-UBND về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Đô thị Canh Vinh, huyện Vân Canh đến năm 2035.
Theo đó, quy hoạch chung xây dựng đô thị Canh Vinh, huyện Vân Canh đến năm 2035 có diện tích khoảng 9.957,24 ha, gồm toàn bộ địa giới hành chính xã Canh Vinh, huyện Vân Canh.
Ranh giới cụ thể có phía Bắc giáp xã Phước Thành, huyện Tuy Phước và xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn; phía Nam giáp xã Canh Hiển và xã Canh Hiệp; phía Đông giáp thành phố Quy Nhơn; phía Tây giáp xã Canh Hiệp.
Việc lập quy hoạch nhằm cụ thể hóa quy hoạch xây dựng vùng huyện Vân Canh đã được phê duyệt.
Đồng thời quy hoạch chung xây dựng đô thị Canh Vinh theo hướng đạt chuẩn đô thị loại V, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển khu vực phía Tây Nam của tỉnh nói chung, khu vực phía Đông Bắc của huyện Vân Canh nói riêng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Đây sẽ là vùng phát triển đô thị gắn liền với phát triển công nghiệp hiện đại, với động lực là Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Becamex Bình Định; là đầu mối giao thông quan trọng tại cửa ngõ phía Tây Nam của tỉnh.
Ngoài ra, việc lập quy hoạch còn nhằm làm cơ sở để quản lý quy hoạch, triển khai lập các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt.
Huyện Vân Canh được định hướng phát triển ra sao?
Quy hoạch xây dựng vùng huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 có diện tích 804,25 km2, gồm toàn bộ ranh giới hành chính huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định.
Quy hoạch xác định cụ thể các vùng động lực phát triển, mô hình phát triển không gian vùng. Định hướng tổ chức không gian hệ thống đô thị, phát triển dân cư, phân loại, phân cấp đô thị và xác định tính chất của từng đô thị; đảm bảo phát triển toàn diện, bền vững các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đô thị và nông thôn mới trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của địa phương.
Đây là vùng phát triển đô thị mới gắn liền với phát triển công nghiệp hiện đại với động lực mới là khu vực công nghiệp - đô thị - dịch vụ Becamex Bình Định; gắn với du lịch, kinh tế trang trại và kinh tế rừng; là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh tại cửa ngõ phía Tây Nam của thành phố Quy Nhơn.
Quy hoạch cũng xác định 3 phân vùng phát triển. Trong đó, phân vùng 1 là tiểu vùng phát triển công nghiệp - thương mại dịch vụ, đô thị, Logistics gắn với du lịch sinh thái bao gồm toàn bộ xã Canh Vinh, Canh Hiển và một phần xã Canh Hiệp, diện tích khoảng 235 km2.
Phân vùng 2 là tiểu vùng đô thị hành chính, công nghiệp địa phương và nông nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại bao gồm thị trấn Vân Canh, xã Canh Thuận, Canh Hòa, diện tích khoảng 156 km2 .
Phân vùng 3 là tiểu vùng phát triển nông nghiệp, phát triển rừng tự nhiên và du lịch cộng đồng bao gồm xã Canh Liên và phía Bắc xã Canh Hiệp, diện tích khoảng 413 km2.
Riêng về hệ thống trung tâm chuyên ngành cấp vùng huyện, tại đô thị Canh Vinh sẽ hình thành trung tâm thương mại, dịch vụ đô thị và dịch vụ công nghiệp, dạy nghề... theo quy hoạch của khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Becamex; xây dựng bến xe hàng hóa với quy mô 3-5 ha.
Tại đô thị này cũng phát triển cảng cạn kết hợp với trung tâm Logistics (Khu cảng cạn và Logistics phía Tây tỉnh) dọc theo tuyến đường ĐT638 và tuyến đường quy hoạch dọc sông Hà Thanh để khai thác lợi thế của các đầu mối giao thông với quy mô khoảng 150 ha.
Bên cạnh đó, thị trấn Vân Canh là trung tâm hành chính, chính trị của huyện Vân Canh gồm các trung tâm thể dục thể thao, khu nhà truyền thống kết hợp dịch vụ, trung tâm thương mại và các cơ sở giáo dục đào tạo; xây dựng mới bến xe khách tại thị trấn Vân Canh.
Quy hoạch cũng xác định việc ưu tiên phát triển du lịch sinh thái tại các suối, hồ như suối Phướng, suối Mây, suối Cầu....; du lịch trải nghiệm thiên nhiên, du lịch nông nghiệp kết hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiện đại.
Cùng với đó, phát triển quỹ đất đô thị phía Đông sông Hà Thanh, theo tuyến giao thông dự kiến; lựa chọn các khu vực bằng phẳng, thuận lợi, hạn chế thay đổi địa hình.
( Theo Cafeland)