Hé lộ những định hướng lớn trong quy hoạch Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Nam khóa XXII vừa thống nhất thông qua nội dung cơ bản dự thảo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Một dự án của tập đoàn Vingroup tại vùng Đông Quảng Nam.
Ngày 8/12/2022, Tỉnh ủy Quảng Nam phát đi Kết luận số 536-KL/TU về kết luận hội nghị Tỉnh ủy về Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXII thống nhất thông qua nội dung cơ bản dự thảo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Ban cán sự đảng UBND tỉnh báo cáo.
Đồng thời, lưu ý, nhấn mạnh việc xây dựng Quy hoạch tỉnh phải dựa trên các nguyên tắc, quan điểm như, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng và các loại khoáng sản.
Bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước; bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biển đổi khí hậu.
Định hướng trong quy hoạch phải cân đối, hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Việc tổ chức không gian phát triển tỉnh, vùng Đông, vùng Tây, các hành lang kinh tế và hệ thống đô thị phải gắn với phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; gắn kết giữa đô thị và nông thôn; khu vực đất liền với không gian biển; khai thác và sử dụng hiệu quả vùng trời, vùng biển.
Phát huy hiệu quả hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế Đông - Tây; gắn phát triển kinh tế, văn hóa với bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm quốc phòng, an ninh; chủ động tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả, thực chất.
Bên cạnh đó, xây dựng Quảng Nam trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển, động lực phát triển của khu vực duyên hải miền Trung và cả nước. Phát huy tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, cơ hội nổi trội của Khu kinh tế mở Chu Lai, tiềm năng Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Nam Giang, mở rộng và hình thành thêm các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Thu hút đầu tư các khu đô thị mới vùng Đông Nam theo quy hoạch. Tập trung phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông chiến lược kết nối liên vùng Đông - Tây, tích hợp quy hoạch đường sắt cao tốc Bắc - Nam vào dọc hành lang tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, sân bay, cảng biển, logistics, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, hạ tầng trọng yếu của nông thôn và miền núi.
Quy hoạch phải đột phá phát triển các loại hình du lịch mới như du lịch mạo hiểm, du lịch tàu biển; phát triển mạnh các khu du lịch ven biển, ven sông với đa dạng các loại hình vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe. Bảo tồn, trùng tu, phát huy các di sản văn hóa thế giới, các di tích văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh; số hóa quản lý các di sản, di tích, danh lam thắng cảnh; triển khai đầu tư xây dựng Đền thờ Hùng Vương.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động sang công nghiệp, dịch vụ,…
( Theo Cafeland)