Quy hoạch Bình Dương 2030: 1 trục phát triển, 2 hành lang sinh thái, 3 vành đai liên kết và 4 phân vùng phát triển
Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương vừa phối hợp với Tổng công ty Becamex IDC và Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, Bộ Xây dựng (VIUP) tổ chức Hội thảo đầu kỳ Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại Hội thảo, đơn vị tư vấn VIUP đã báo cáo: Định hướng khung chiến lược tích hợp và không gian động lực của tỉnh Bình Dương; đánh giá hiện trạng và định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong quy hoạch tỉnh; khung định hướng phát triển của tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050.
Theo đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Bình Dương phát triển theo mô hình thành phố trực thuộc Trung ương, là cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Tỉnh sẽ đi đầu trong chuyển đổi mô hình phát triển, hướng tới các ngành công nghiệp hiện đại và dịch vụ chất lượng cao dựa trên hạt nhân là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh.
Đến năm 2050, Bình Dương là thành phố thông minh; trung tâm công nghiệp hiện đại; trung tâm dịch vụ chất lượng hàng đầu châu Á; là môi trường văn minh, đáng sống, thịnh vượng, bền vững; là một trong các địa phương đi đầu trong hoàn thành mục tiêu phát thải trung tính "Net-zero 2050".
Với điều kiện hiện trạng của Bình Dương và định hướng liên kết vùng, đơn vị tư vấn đề xuất phương án tổ chức không gian lãnh thổ Bình Dương phát triển trở thành vùng đổi mới sáng tạo gồm 01 trục phát triển; 02 hành lang sinh thái; 03 vành đai liên kết; 04 phân vùng phát triển.
Trong đó 1 trục phát triển là phát triển theo trục Bắc Nam, lấy trục Quốc lộ 13, Bàu Bàng - Mỹ Phước - Tân Vạn; Cao tốc Chơn Thành – TP.Hồ Chí Minh; đường sắt Dĩ An – Lộc Ninh; đường sắt đô thị Suối Tiên – Bàu Bàng... làm trục liên kết, phát triển trục đô thị - công nghiệp - dịch vụ theo từng phân đoạn.
2 hành lang sinh thái gồm: Hành lang sinh thái phía Đông gắn với trục sông Đồng Nai và hành lang sinh thái phía Tây gắn với trục sông Sài Gòn và hồ Dầu Tiếng sẽ phát triển dựa trên bảo vệ và phát huy các giá trị sinh thái, phát triển các cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải đường thủy, phát triển các khu đô thị dịch vụ sinh thái, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, khu nông nghiệp sinh thái kết hợp hỗ trợ du lịch.
3 vành đai liên kết: Phát triển mở rộng không gian đô thị, chức năng và khung hạ tầng gắn với 3 vành đai liên kết của vùng TP.Hồ Chí Minh gồm: Vành đai 3, vành đai 4 và vành đai 5.
4 phân vùng phát triển gồm:
Vùng đô thị trung tâm (TP.Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên) là nơi tập trung dân cư chủ yếu, phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại dịch vụ.
Vùng đô thị vệ tinh (huyện Bàu Bàng) trọng tâm của vùng đổi mới sáng tạo, phát triển đô thị đầu mối phân phối lưu thông giữa Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, TP.Hồ Chí Minh.
Tiểu vùng phía Đông Bắc (huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo): Phát triển kinh tế sinh thái, hỗ trợ phát triển công nghiệp, logistics ven tiểu vùng Trung tâm, kết nối Tây Nguyên với trục kinh tế Đông Nam Bộ, khai thác hành lang vận tải, sinh thái sông Đồng Nai.
Tiểu vùng phía Tây Bắc (huyện Dầu Tiếng): Phát triển kinh tế sinh thái, du lịch ven sông Sài Gòn và hồ Dầu Tiếng, hỗ trợ phát triển công nghiệp, logistics ven tiểu vùng Trung tâm, kết nối Tây Nguyên –Tây Nam bộ, kết nối Tây Ninh - trục kinh tế Đông Nam bộ.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương, công tác xây dựng quy hoạch tỉnh đã trải qua gần 1/3 chặng đường. Trong 2 tháng qua, đơn vị tư vấn đã cùng với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thu thập dữ liệu hiện trạng, tổng hợp các ý tưởng, mong muốn, kỳ vọng và những định hướng chiến lược lớn của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành, địa phương trên toàn tỉnh. Từ đó xây dựng khung định hướng phát triển tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050.
( Theo Cafeand)