Bình Chánh tích cực điều chỉnh quy hoạch để tiến lên thành phố
Để thực hiện mục tiêu trở thành “thành phố trong thành phố” vào năm 2025, Bình Chánh đang tích cực điều chỉnh quy hoạch phù hợp và tạo ra cơ chế nhằm thu hút đầu tư xã hội hóa, khai thác nguồn lực quỹ đất nông nghiệp.
Nằm tại phía tây TP.HCM, Bình Chánh có diện tích khoảng 253 km2, lớn hơn TP Thủ Đức khoảng 4.200 ha. Thống kê đến 31/12/2021, Bình Chánh có tổng dân số 734.893 người.
Hoàn thiện các quy hoạch, đề án
Bình Chánh là địa phương được định hướng trở thành trung tâm kinh tế, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ đầu mối giao thông và hạ tầng kỹ thuật phía Tây Nam TP.HCM.
Bình Chánh sở hữu lợi thế lớn về hạ tầng tiện ích, giao thông
Theo lãnh đạo Bình Chánh, quá trình đô thị hoá tại địa phương diễn ra nhanh chóng, dân số tăng cơ học luôn ở mức cao, trung bình khoảng 30.000 người/năm. Mô hình chính quyền địa phương theo đơn vị hành chính huyện, xã không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội và tốc độ đô thị hoá của Bình Chánh. Do đó, việc lập đề án chuyển Bình Chánh lên thành phố, thay vì thành quận như huyện Nhà Bè và Hóc Môn là chương trình đột phá đổi mới phát triển đã được Đại hội thông qua.
Cụ thể, Bình Chánh sẽ điều chỉnh quy hoạch vùng dựa trên điều kiện phát triển của huyện và gắn liền với các vùng lân cận. Việc lập đồ án quy hoạch xây dựng vùng Bình Chánh sẽ khắc phục sự chồng chéo, bất cập trong các đồ án quy hoạch hiện nay, qua đó khắc phục những sai phạm về nhà đất dẫn đến phá vỡ quy hoạch và đáp ứng phát triển giai đoạn tới.
Nhiều chuyên gia cũng gợi mở một số hướng đi cho Bình Chánh trong quy hoạch đô thị sắp tới như: mở rộng quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chuyên ngành. Bên cạnh đó là quy hoạch khu sản xuất nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao tập trung; quy hoạch các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, hệ thống kho, bãi hiện đại, phát triển hạ tầng giao thông kết nối các tỉnh ĐBSCL…
Bình Chánh tích cực khai thác quỹ đất để phát triển các khu đô thị
Cùng với đó, Bình Chánh đang rà soát lại các tiêu chí lên thành phố để xác định phân kỳ đầu tư trong 4 năm tới, ước tính sơ bộ kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản như giao thông, trường học… khoảng 44.000 tỉ đồng. Để huy động nguồn lực "khổng lồ" trên, lãnh đạo Bình Chánh cho rằng điều quan trọng nhất là điều chỉnh quy hoạch phù hợp và tạo ra cơ chế để thu hút đầu tư xã hội hóa, khai thác nguồn lực quỹ đất nông nghiệp. Đồng thời, sẵn sàng tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và ý kiến chỉ đạo của các sở ngành TP.HCM để hoàn thiện đề án lên thành phố năm 2025.
"Khi đó, Bình Chánh sẽ là thành phố phát triển độc lập với bộ máy chính quyền được tái cơ cấu hoàn toàn, trở thành cực đối trọng của TP Thủ Đức. Trong đó, nếu Thủ Đức là cực tăng trưởng của phía Đông thì Bình Chánh đóng vai trò tương tự tại khu Tây", đại diện Bình Chánh nhận định.
"Hạt nhân" trung tâm hành chính
Trước khi lên thành phố, Thủ Đức đã lấy hiện trạng sẵn có của khu vực để phân bổ các phân khu chức năng phù hợp. Đơn cử như Thủ Thiêm với cơ sở hạ tầng đáp ứng cho kinh tế tài chính đã được chọn là trung tâm tài chính của toàn thành phố Thủ Đức. Kịch bản này có thể lặp lại tại Bình Chánh trong tương lai mà khu trung hâm hành chính hiện hữu nhiều khả năng sẽ là trung tâm hành chính của thành phố Bình Chánh và của toàn khu Tây.
Hiện nay, trong lộ trình đưa Bình Chánh lên thành phố, khu trung tâm hành chính được xem là đòn bẩy quan trọng và là chiến lược dài hơi đã được địa phương xây dựng từ nhiều năm qua. Vai trò của khu trung tâm hành chính Bình Chánh tương tự như KĐT mới Thủ Thiêm tại phía Đông hoặc KĐT Phú Mỹ Hưng tại phía Nam.
Khu trung tâm hành chính Bình Chánh với đầy đủ tiện ích công
Phát triển từ năm 2013, đến nay khu hành chính đã trở thành trung tâm văn hóa - thương mại của Bình Chánh nói riêng và toàn khu Tây nói chung. Toàn khu hành chính tọa lạc tại trung tâm thị trấn Tân Túc, được quy hoạch khoa học với hàng loạt tiện ích công dày đặc bao gồm UBND, chi cục thuế, trụ sở công an, bệnh viện, trường mầm non, nhà thiếu nhi, công viên kiểu mẫu rộng 2 ha. Bao quanh khu vực này nhanh chóng hình thành các cung đường thương mại sầm uất như đường Nguyễn Hữu Trí, đường Tân Túc (rộng 6 làn xe).
Đóng vai trò trung tâm đầu não, khu hành chính cũng được ưu tiên phát triển mạng lưới liên kết vùng hoàn thiện với các tuyến huyết mạch như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 50, cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, tương lai sẽ có thêm tuyến đường sắt cao tốc 10 tỷ USD TP.HCM - Cần Thơ, tuyến Metro 3A (Bến Thành - Tân Kiên), tuyến buýt nhanh BRT số 1,.. Sự phát triển về hạ tầng giúp cư dân dễ dàng di chuyển tới Quận 1, trung tâm tài chính Thủ Thiêm (qua Võ Văn Kiệt), Phú Mỹ Hưng (qua Nguyễn Văn Linh) trong khoảng 20 phút.
Với hấp lực từ khu hành chính kiểu mẫu, nhiều dự án lớn đang được hình thành gần trung tâm hành chính, tạo ra chuỗi đô thị hóa hiện đại liên hoàn, mang đến diện mạo mới cho Bình Chánh.
Đơn cử, khu phức hợp Westgate được Tập đoàn BĐS An Gia triển khai tại trung tâm hành chính Bình Chánh với quy mô hơn 2.000 căn hộ. Dự án này thừa hưởng nhiều lợi thế từ sự sầm uất của khu vực, cộng đồng dân cư văn minh, dân trí cao, liền kề UBND và cơ quan công an Bình Chánh. Bên cạnh đó, dự án còn được chủ đầu tư quy hoạch nhiều tiện ích nội khu cao cấp nhằm kiến tạo không gian sống hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày một cao của cư dân thành thị tương lai.
( Theo Nhịp Sống Kinh Tế)