Tp.HCM: Hơn 95 tỉ đồng để lập đồ án điều chỉnh Quy hoạch đến năm 2040
Mới đây, UBND Tp.HCM có quyết định duyệt đề cương nhiệm vụ và tổng dự toán chi phí lập đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Tp.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Tp.HCM dự kiến hoàn thành công tác lập đồ án cuối quý 3/2022. Tổng dự toán chi phí là 95,166 tỷ đồng, gồm nhiều hạng mục như: chi phí lập đồ án, chi phí dự phòng, chi phí quản lý nghiệp vụ, chi phí tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức và đại diện cộng đồng dân cư, chi phí hội nghị, hội thảo, thuê tư vấn…
Phạm vi ranh giới lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính Tp.HCM với diện tích 2.095 km2 và khu vực biển Cần Giờ (diện tích cụ thể sẽ được xác định trong quá trình lập đồ án, đảm bảo thống nhất với ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển và tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ).
Mục tiêu lập quy hoạch điều chỉnh quy hoạch chung TP phù hợp định hướng phát triển của toàn vùng Tp.HCM, hướng tới phát triển TP trở thành trung tâm giao thương quốc tế của vùng và quốc gia. TP là trung tâm văn hóa, tri thức sáng tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, công nghiệp công nghệ cao tầm khu vực; trung tâm du lịch, tài chính - thương mại và dịch vụ logistics tầm quốc tế.
Điều chỉnh quy hoạch chung TP để đáp ứng các yêu cầu mới trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; tạo điều kiện thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề trong phát triển đô thị hiện nay như dân số, nhà ở, hạ tầng, giao thông, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý phát triển, đầu tư xây dựng các khu vực trong đô thị và hoàn thiện hệ thống kỹ thuật khung của đô thị theo quy hoạch.
Nội dung công việc thực hiện gồm lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP, trình thẩm định - phê duyệt đồ án, tổ chức lấy ý kiến cộng đồng, tổ chức hội nghị - hội thảo chuyên gia phản biện, thẩm tra - phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành, tổ chức công bố quy hoạch được duyệt.
UBND TP cũng lưu ý khi xây dựng kế hoạch, cơ chế thực hiện đồ án quy hoạch phải trên cơ sở phối hợp với các cơ quan, đơn vị tư vấn (lập quy hoạch) khác có liên quan nhằm đảm bảo nội dung nghiên cứu được cập nhật thông tin đa dạng và đồng bộ, đặc biệt đối với các chương trình, đề án và dự án đặc thù của TP.HCM.
Ngoài ra cũng cần xây dựng khung đánh giá quá trình thực hiện quy hoạch (giai đoạn năm 2030, 2040) tạo cơ sở để cơ quan chuyên ngành theo dõi, điều chỉnh kịp thời (nếu có) các quy định, cơ chế, chính sách trong việc quản lý quy hoạch và phát triển đô thị hiệu quả, khoa học, đáp ứng về cải cách hành chính, đô thị thông minh.
( Theo Nhịp Sống Kinh Tế)