Realtor Việt Nam - Website hiệp hội môi giới Bất Động Sản Việt Nam

Sau hơn 10 năm mở rộng, Hà Nội đã có 350 khu đô thị

Ms.Uyên - Thứ bảy, 20/11/2021 | 02:56 GMT +7

Quy mô này được UBND Hà Nội cho biết trong kế hoạch khảo sát, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp tăng cường công tác quản trị, vận hành các khu đô thị sau đầu tư.

UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4866/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề cương nhiệm vụ "Khảo sát, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp tăng cường công tác quản trị, vận hành các khu đô thị sau đầu tư".

Nhiều bất cập trong vận hành các khu đô thị

Văn bản vừa ban hành cho biết, Hà Nội là địa phương sớm hình thành các khu đô thị mới và phát triển nhanh so với cả nước. Chỉ tính từ sau khi mở rộng địa giới hành chính thành phố năm 2008 đến nay, Hà Nội đã có hơn 350 khu đô thị với quy mô khoảng 2.500ha.

Theo đánh giá, việc phát triển các khu đô thị đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo lập diện mạo đô thị văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng sống của người dân, phát triển nhanh về nhà ở, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật tương ứng...

Trong quá trình sử dụng, vận hành, khai thác, một số khu đô thị được các chủ đầu tư thực hiện tốt công tác quản lý, đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng góp phần xây dựng đô thị hiện đại, văn minh, đồng bộ.

Nhiều dự án khu đô thị hiện nay được chủ đầu tư quan tâm, bố trí quỹ đất cây xanh, không gian công cộng chiếm tỷ lệ lớn trong quỹ đất xây dựng; góp phần tạo không gian sống thư giãn cho người dân.

Tuy nhiên, công tác quản trị, vận hành các khu đô thị sau đầu tư trên địa bàn còn tồn tại một sổ bất cập như: Nhiều khu đô thị đầu tư kéo dài, chậm hoàn thành, chậm bàn giao hoặc bàn giao về cho chính quyền địa phương quản lý không đồng bộ; Việc tổ chức cung ứng dịch vụ đô thị cho cư dân trong một số khu đô thị như cấp điện, cấp nước, vệ sinh môi trường, dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, vui chơi giải trí... còn chưa tốt.

Việc quản lý đất đai, việc đầu tư và quản lý, khai thác hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, việc kết nối hạ tầng khu đô thị với các khu vực xung quanh, việc quản lý đầu tư, quản lý kiến trúc và cấp phép đầu tư xây dựng theo quy hoạch ,... không đầy đủ, thiếu đồng bộ, không rõ trách nhiệm.

Một số khu đô thị tổ chức cộng đồng dân cư, hệ thống chính trị - hành chính như thành lập Ban quản trị nhà chung cư, quản lý cư dân trong khu đô thị, đặt tên đường, phố trong khu đô thị, thành lập và kiện toàn tổ dân phố, lập mới hoặc kiện toàn các tổ chức chính trị - xã hội... không kịp thời.

Nhiều khu đô thị được hình thành có mật độ dân cư tập trung cao, trong khi đó các tổ chức đoàn thể, chính trị giúp chính quyền địa phương về quản lý dân cư tại địa bàn còn chưa kịp hoàn thiện theo số dân mới tăng lên.

Việc xây dựng đời sống văn hoá, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong các khu đô thị mới còn có những hạn chế, chậm bắt kịp và hoà đồng với các khu đô thị cũ. Công tác quản lý trật tự xã hội, việc theo dõi, quản lý dân cư của địa phương gặp khó khăn; chưa có can thiệp hiệu quả của chính quyền địa phương khi xảy ra mâu thuẫn trong đời sống xã hội tại các khu đô thị.

Với những tồn tại nêu trên, UBND TP cho rằng, việc triển khai nhiệm vụ “Khảo sát, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp tăng cường công tác quản trị, vận hành các khu đô thị sau đầu tư” là cần thiết để giúp các cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở ban hành chính sách hiệu quả trong vận hành các khu đô thị, hướng dẫn, quản lý các chủ đầu tư, các ban quản trị trong quá trình vận hành các khu đô thị; giúp người dân trong các khu đô thị xây dựng nếp sống văn minh, phù hợp với cuộc sống tại các khu đô thị.

Đồng thời, đề xuất được các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản trị, vận hành các khu đô thị sau đầu tư từ phương diện của cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.

8 đơn vị vào cuộc khảo sát các khu đô thị

Từ nhận định trên, UBND TP giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội phối hợp các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện: Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Gia Lâm, Mê Linh tổ chức triển khai thực hiện theo quy định, các nội dung công việc được phân công; tổng hợp, tổ chức nghiệm thu các sản phẩm, báo cáo UBND TP theo quy định.

Bên cạnh làm việc với chính quyền địa phương, chủ đầu tư, ban quản trị, các đơn vị cung cấp dịch vụ trong khu đô thị (điện, nước, vệ sinh môi trường, an ninh), đơn vị được giao nhiệm vụ sẽ khảo sát trực tiếp hiện trạng công tác quản lý, vận hành tại 5 - 7 khu đô thị có tính đại diện theo địa giới hành chính (nội đô lịch sử, nội đô mở rộng, một số huyện) và theo quy mô diện tích (dưới 20ha, từ 20 - 50ha và từ 50 - 200ha)... được hình thành trên địa bàn Hà Nội kể từ năm 2010 cho đến nay.

( Theo Trí Thức Trẻ) 

Tin tức khác

Top

Góp ý

Chia sẻ