Nhà chung cư sẽ bùng nổ trong thập kỷ tới
Nhà ở cao tầng được định hướng phát triển mạnh tại TP Thủ Đức và các quận 7, 12, Bình Tân giai đoạn 2021-2030.
Tại hội thảo về phát triển các mô hình đô thị và bài toán nhà ở ngày 6/1, ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng phòng phát triển nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng TP HCM) cho biết, từ nay đến năm 2030, thành phố ưu tiên phát triển nhà ở cao tầng tại các quận nội thành phát triển. Trong đó, TP Thủ Đức cùng với các quận 7, 12, Bình Tân sẽ nằm trong nhóm địa phương hướng đến phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng, nhà ở xã hội.
Trong một thập kỷ qua, nhà chung cư đã chiếm ưu thế lớn trên thị trường nhà ở Giai đoạn 2011-2015, thị trường có 57.518 căn nhà thì 90,6% là chung cư. Giai đoạn 2016-2020, khi thị trường có hơn 152.000 căn, tỷ lệ chung cư lên tới 94%. Nhà ở riêng lẻ do người dân tự xây dựng cũng giảm dần tỷ trọng trong giai đoạn 2011-2020. Theo ông Phạm Đăng Hồ, nhà chung cư sẽ còn tăng trưởng đến năm 2030 khi là loại nhà ở chủ lực trong chiến lược phát triển đô thị.
Thị trường nhà chung cư tại phía Nam TP HCM.
Bên cạnh đó, từ nay đến năm 2025, các khu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng đảm bảo và phù hợp sẽ bị thành phố hạn chế phát triển các dự án mới xây nhà ở cao tầng. Phạm vi hạn chế với khu trung tâm hiện hữu là quận 1 và quận 3, với khu nội thành hiện hữu là nhóm các quận 4, 5, 6, 11, Phú Nhuận.
Nhóm các quận nội thành còn lại gồm quận 8, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, Tân Phú sẽ được thành phố đẩy mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật - xã hội để kêu gọi đầu tư dự án nhà ở tại những khu vực có kế hoạch xây dựng hạ tầng tương ứng.
Riêng khu vực 5 huyện ngoại thành gồm: Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ sẽ ưu tiên phát triển nhà ở theo dự án tại các thị trấn, khu dân cư nông thôn, khu du lịch ở kết hợp sinh thái nghỉ dưỡng, khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh. Các huyện ngoại thành này là nơi tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp; đồng thời, khai thác hiệu quả hệ thống giao thông đô thị.
Dù được xếp vào nhóm các huyện ngoại thành, được xem như quỹ đất phục vụ nhà giá rẻ, các địa phương này vẫn sẽ không phát triển các dự án mới ở các khu vực chưa có kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tương ứng.
Đại diện đến từ Sở Xây dựng TP HCM xác nhận thành phố cũng đặt ra nhiều tiêu chí và giải pháp phát triển nhà ở trong 10 năm tới. Thứ nhất, phát triển nhà ở phải phù hợp với chiến lược nhà ở quốc gia, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch chung của thành phố. Thứ hai, cần phải tính đến việc đáp ứng nhu cầu cơ bản gia tăng dân số với mức tăng trung bình 200.000 dân mỗi năm. Ngoài ra, thành phố khuyến khích tất cả thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở và sẽ tập trung phát triển nhà ở xã hội, tăng tỷ trọng nhà ở cho thuê giá thấp.
Từ nay đến năm 2030, thành phố tăng tỷ trọng phát triển nhà ở theo dự án, các mô hình nhà ở phải đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng thời phát triển nhà ở cao tầng gắn với giao thông công cộng và hệ thống đường sắt đô thị.
( Theo Vnexpress)