Realtor Việt Nam - Website hiệp hội môi giới Bất Động Sản Việt Nam

Bất chấp đại dịch Covid-19, hàng loạt dự án bất động sản mới tiếp tục gia nhập thị trường

Ms.Uyên - Thứ hai, 30/03/2020 | 04:14 GMT +7

Dù thị trường BĐS đang đối mặt với nhiều khó khăn trước đại dịch Covid-19, nhu cầu sụt giảm nhưng trong quý 1 năm 2020 vẫn có hàng loạt nguồn cung mới được bung ra thị trường. Các doanh nghiệp BĐS cũng bắt đầu chủ động hơn trong việc bán hàng nhờ công nghệ.

Nguồn cung mới bung hàng

Việc chủ động trong công tác bán hàng online, nhiều chủ đầu tư vẫn giới thiệu ra thị trường các dự án bất động sản nhằm đáp ứng nhu cầu của người mua. Trong các phân khúc BĐS, căn hộ có số lượng dự án mở bán lớn nhất, phần lớn ở thị trường Tp.HCM. Các sản phẩm mới được giới thiệu đều nằm ở các vị trí đẹp, của chủ đầu tư lớn nên người mua vẫn đón nhận.

Ở phân khúc căn hộ, theo số liệu thống kê mới nhất từ Hội môi giới BĐS Việt Nam, cả nước trong quý 1 có khoảng 8363 căn hộ được bán ra thị trường, trong đó hơn một nửa là ở Tp.HCM. Đáng chú ý là thị trường Hà Nội chỉ có 1 dự án mới được mở bán với tổng nguồn cung trên 1100 căn.

Còn theo công bố của Sở Xây dựng Tp.HCM, Có 5 dự án BĐS trong tháng 12/2019 và 6 dự án trong 3 tháng đầu năm nay đủ điều kiện huy động vốn, bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Các dự án đủ điều kiện huy động vốn trong 3 tháng đầu năm nay gồm: 99 căn chung cư Sài Gòn Co.op thuộc khu nhà ở cán bộ, công nhân Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (quận Gò Vấp); 1 căn nhà thuộc Lô H21 dự án Khu nhà ở Công ty Kim Phát ở quận 9; 3 biệt thự dự án Công ty Thành Phúc ở quận 9;

40/214 căn hộ tại chung cư lô H dự án khu nhà ở Bình Chiểu, quận Thủ Đức; 456 căn hộ chung cư lô đất 1- 16 dự án Khu phức hợp Sóng Việt, khu chức năng số 1 Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2 (The Metropole Thủ Thiêm) của Công ty CP Quốc Lộc Phát làm chủ đầu tư; 12 căn nhà liên kế dự án khu nhà ở thương mại dịch vụ và văn phòng, phường Thảo Điền, quận 2 (G-Home Thảo Điền) của Công ty CP Phát triển nhà G Homes.

Theo báo cáo từ nhiều đơn vị tư vấn bất động sản, do nguồn cung hạn chế nhưng nhu cầu vẫn cao, thị trường căn hộ đã thiết lập mặt bằng giá mới. Khách hàng và nhà đầu tư không có nhiều sự lựa chọn, các dự án mới đa số tập trung ở khu Đông và khu Nam thành phố.

Ở phân khúc nhà phố (shophouse), thị trường toàn quốc cũng đã đón nhận nhiều dự án mở bán. Theo ghi nhận của Hội môi giới, nguồn cung mới trong quý 1 mở bán vào khoảng trên 1400 căn. Hầu hết nguồn cung nhà phố nằm ở các tỉnh, thành phố lớn. Các dự án tiêu biểu như Flame City tại Buôn Ma Thuột, Thanh Long Bay ở Bình Thuận, Vincom shophouse Bạc Liêu, Meyhomes ở Kiên Giang,…

Ảm đạm nhất có lẽ là phân khúc condotel khi chỉ ghi nhận 1 dự án duy nhất với 372 căn được mở bán tại Bà Rịa – Vũng Tàu.

Phân khúc giao dịch đất nền vẫn đang diễn ra khá sôi động với tổng số nguồn cung mới ra thị trường trong 3 tháng đầu năm là trên 5800 nền. Sản phẩm đất nền vẫn đang là kênh đầu tư được ưa chuộng nhất trên thị trường. Các dự án thường tập trung ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Các dự án đáng chú ý trong quý vừa qua như Yên Phụ Newlife ở Bắc Ninh, Mekong Centre ở Sóc Trăng, Qi Island ở Bình Dương, Khu dân cư Thăng Long ở Bình Dương, Tuấn Điền Phát 3 ở Bình Dương, Bình Chánh New Centrer ở Tp.HCM,…

Thị trường sẽ hồi phục nhanh sau đại dịch

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) cho biết, thị trường BĐS thành phố sẽ được cải thiện theo hướng tích cực khi công tác hoàn thiện thể chế pháp luật được đẩy mạnh trong năm 2020. Với lộ trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai và pháp luật về đầu tư, xây dựng, nhà ở, kinh doanh BĐS sẽ khai thông các điểm nghẽn của các doanh nghiệp.

Một chuyên gia phân tích thị trường bất động sản cho rằng nếu dịch kéo dài thì lúc đó sẽ phải có các cách thích nghi mới để thị trường tiếp tục phát triển. Chắc chắn các doanh nghiệp không ngồi yên để chấp nhận "thua cuộc", sức sống thị trường phụ thuộc vào sự thích ứng từ phía doanh nghiệp với thời cuộc.

Nhận xét về khả năng phục hồi sau đại dịch ở phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, ông Mauro, chuyên gia từ Savills khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho rằng, "Du lịch là ngành công nghiệp rất dễ bị ảnh hưởng bởi các bất ổn về kinh tế - xã hội và điều này đã từng được chứng minh qua các sự kiện như cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9, khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, đại dịch SARS 2003 hay một số khủng hoảng thiên tai, bất ổn chính trị tại các quốc gia như động đất - sóng thần tại Nhật Bản, đánh bom ở Bali năm 2002, v.v. Thông thường, sau mỗi cuộc khủng hoảng, ngành du lịch luôn có sự phục hồi mạnh mẽ và sự phục hồi này thường diễn ra trong khoảng 6 tháng."

( Theo Nhịp Sống Việt) 

Tin tức khác

Top

Góp ý

Chia sẻ