TP.HCM kiến nghị bãi bỏ khung giá đất tối thiểu và giảm quy mô đầu tư một dự án lớn
Tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cùng các bộ, ngành Trung ương cuối tuần qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã kiến nghị Trung ương tháo gỡ hàng loạt chính sách, dự án cụ thể cho TP.HCM
Về lĩnh vực kế hoạch đầu tư, TP.HCM kiến nghị xem xét, điều chỉnh điều kiện bố trí vốn khởi công mới cho các dự án sau khi đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, không phụ thuộc mốc thời gian 31-10 năm trước năm kế hoạch, để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công đã được phê duyệt. Kiến nghị phần vốn nước ngoài trong kế hoạch đầu tư công hàng năm được phép giải ngân theo tiến độ thực hiện, và tiến độ cấp vốn của nhà tài trợ nước ngoài theo Điều 76 Luật Đầu tư công.
Về định giá tài sản trong tố tụng hình sự, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Hội đồng định giá tài sản vận dụng quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu để thực hiện thuê doanh nghiệp thẩm định giá, theo hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, không cần trình Bộ Kế hoạch - Đầu tư thẩm định theo quy định.
Cho phép Hội đồng định giá tài sản thực hiện việc chia tài sản thẩm định giá thành các gói thầu, và thuê các doanh nghiệp do hội đồng lựa chọn trên cơ sở năng lực, kinh nghiệm để thực hiện việc định giá tài sản.
TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, bãi bỏ quy định về khung giá đất tối thiểu, tối đa ban hành kèm theo Nghị định 104 ngày 14/11/2014 của Chính phủ làm cơ sở, để TP.HCM thực hiện xây dựng bảng giá đất tiệm cận với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường, tránh thất thu thuế nhà đất đối với các trường hợp áp dụng theo bảng giá đất.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định 44 ngày 15-5-2014 của Chính phủ, về thời kỳ ổn định của bảng giá đất là 5 năm. Tuy nhiên, trên thực tế giá đất thị trường biến động thường xuyên, quy định về kỳ ổn định 5 năm của bảng giá đất chưa phù hợp. TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, bãi bỏ quy định này.
Về lĩnh vực xây dựng, TP.HCM kiến nghị cho phép UBND TP.HCM được chỉ định chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại; chỉ đạo các bộ ngành liên quan có hướng dẫn cụ thể, thống nhất xác định danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở; cho phép thành lập thí điểm Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị (sáp nhập từ lực lượng Thanh tra Sở Xây dựng và Quản lý trật tự đô thị).
Đặc biệt, UBND TP.HCM còn kiến nghị xem xét cho phép thành phố giảm quy mô dự án khu phức hợp thông minh tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đề xuất (từ 10 lô đất, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2,11 tỷ USD giảm còn 6 lô đất, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 900 triệu USD) vì các lô còn lại đang vướng giải phóng mặt bằng; rút gọn thành phần nhà đầu tư tham gia dự án từ 7 còn 4 nhà đầu tư thuộc Tập đoàn Lotte thực hiện dự án.
( Theo Trí Thức Trẻ)