Đồng Nai: Diện tích đất tối thiểu 60m2 mới được tách thửa
UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Quyết định số 03/2018/QĐ-UBND về việc quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Theo đó, Quyết định này quy định về diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với các loại đất: đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải đất ở của hộ gia đình và cá nhân; điều kiện được phép tách thửa; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến tách thửa đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Quy định nêu rõ về diện tích, kích thước, điều kiện cụ thể tách thửa đối với loại đất ở. Theo đó, khi tách thửa đối với thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận có mục đích sử dụng là đất ở thì diện tích, kích thước tối thiểu thửa đất và điều kiện cụ thể, như sau:
Diện tích tối thiểu của thửa đất sau khi tách thửa: Các phường và các xã Hóa An, Tân Hạnh, Hiệp Hòa thuộc thành phố Biên Hòa và các phường thuộc thị xã Long Khánh diện tích tối thiểu thửa đất là 60m2; các xã An Hòa, Long Hưng, Phước Tân, Tam Phước thuộc thành phố Biên Hòa và các thị trấn thuộc các huyện diện tích tối thiểu là 80m2; các xã còn lại thuộc thị xã Long Khánh và các huyện diện tích tối thiểu tách thửa là 100m2.
Về kích thước thửa đất hình thành sau khi tách thửa: Thửa đất thuộc địa bàn các phường, xã thuộc thành phố Biên Hòa; các phường thuộc thị xã Long Khánh; các thị trấn thuộc các huyện mà vị trí tiếp giáp với đường phố có lộ giới lớn hơn hoặc bằng 20m thì thửa đất hình thành sau tách thửa phải có chiều rộng lớn hơn hoặc bằng 5m.
Đối với thửa đất thuộc các phường, xã thuộc thành phố Biên Hòa; các phường thuộc thị xã Long Khánh; các thị trấn thuộc các huyện mà vị trí tiếp giáp với đường phố có lộ giới nhỏ hơn 20m thì các thửa đất phải có chiều rộng lớn hơn hoặc bằng 4m. Đối với thửa đất thuộc các xã còn lại thuộc các huyện thì các thửa đất phải có chiều rộng lớn hơn hoặc bằng 4,5m.
Đối với thửa đất có diện tích nhỏ hơn 500m2: Trường hợp các thửa đất sau khi tách thửa tiếp giáp với đường giao thông, hiện trạng hạ tầng giao thông đã được thể hiện trên bản đồ địa chính thì được tách thửa theo quy định. Trường hợp các thửa đất đề nghị tách thửa không tiếp giáp với đường giao thông hiện hữu thì người sử dụng đất phải lập bản vẽ thiết kế mặt bằng tổng thể được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với thửa đất có diện tích từ 500m2 đến 2.000m2, trước khi thực hiện tách thửa người sử dụng đất phải lập bản vẽ thiết kế mặt bằng tổng thể được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Việc chia tách thửa đất chỉ được thực hiện sau khi người sử dụng đất đã đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật được cơ quan thẩm quyền phê duyệt bản vẽ thiết kế mặt bằng tổng thể kiểm tra, xác nhận…
Đối với thửa đất có diện tích trên 2.000m2, phải lập dự án đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện dự án theo quy định. Đối với thửa đất ở thuộc các dự án đã được Nhà nước giao đất, cấp Giấy chứng nhận theo quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500; khu vực đã có quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc Giấy phép quy hoạch (đối với các trường hợp không phải lập quy hoạch chi tiết 1/500) thì chỉ được tách thửa theo quy hoạch được duyệt.
Những trường hợp không được tách thửa tại tỉnh Đồng Nai là những dự án đã có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư (thỏa thuận địa điểm, giới thiệu địa điểm, chấp thuận đầu tư) của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thuộc trường hợp thu hồi đất theo quy định của pháp luật đất đai, hoặc có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án. Thửa đất thuộc khu vực bảo tồn, khu di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định, phê duyệt theo quy định.
Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành thì nhà đất địa bàn TP Biên Hòa và các huyện Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu thuộc tỉnh Đồng Nai đang là những khu vực "nóng sốt" và nhiều người đang rất mong chờ tỉnh này ban hành quyết định về tách thửa. Những địa bàn trên cũng là khu vực vài năm lại đây xảy ra tình trạng tách thửa ồ ạt, hình thành những khu dân cư tự phát xập xệ.
(Theo trí thức trẻ)