Tổng hội xây dựng Việt Nam chọn biểu tượng của sân bay Long Thành là hình hoa sen
Sau khi thảo luận, các chuyên gia của Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã thống nhất chọn phương án 3 – phương án lấy biểu tượng hoa sen mang đặc tính dân tộc cao của cả 3 miền là phương án thiết kế xây dựng dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo đó, phương án này có kiến trúc hiện đại mà mạch lạc, phù hợp với không gian lớn, tổ chức hình khối kiến trúc thanh thoát và nội thất tạo được khoảng lặng cần thiết cho hành khách. Thiết kế nhà ga hình hoa sen được tác giả lấy ý tưởng từ hình ảnh bông sen cách điệu một nét đặc trưng cho văn hóa Việt Nam.
Cụ thể, hình ảnh hoa sen được sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế, áp dụng vào mái, phối cảnh từ góc nhìn mặt chính nhà ga, cảnh quan vị trí trên mái nhà để xe, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục.Hình khối khu vực nhà ga chính (mái) sử dụng ý tưởng là những cánh hoa sen.
Bên cạnh đó khu vực nhà để xe ngoài trời, trên mái sử dụng làm công viên cây xanh kết hợp với hồ nước lớn tại vị trí trung tâm cũng lấy ý tưởng bông sen, làm điểm nhấn cho khu vực này. Phương án này do công ty Hàn Quốc thực hiện. Đây cũng là đơn vị thiết kế nhà ga hành khách T2 sân bay Incheon (Hàn Quốc), sân vận động Olympic (Baku), tòa tháp Kangnam - Trung tâm nghiên cứu & phát triển ở Gangnam, Hàn Quốc.
Mặc dầu vậy Tổng hội cho rằng, cả 3 phương án đều lấy hình cánh cung cho lối ra vào tàu bay, do đó cần kiểm tra không gian cho tàu ra vào có đủ và hợp lý không.
Trước đó, Hội Kiến trúc sư Việt Nam chọn phương án 4 khi cho rằng phương án này có ngôn ngữ kiến trúc khúc triết và dây chuyền chức năng khá hợp lý. Đặc biệt các giải pháp tổ chức không gian và kết cấu đồng nhất với ý tưởng kiến trúc.
Được biết, đối với phương án 4, ý tưởng chính của tác giả là sử dụng vật liệu từ cây tre – một loại cây phổ biến của địa phương Việt Nam, được thiết kế thành hệ kết cấu đan kết để áp dụng cho toàn bộ các không gian chính công cộng của nhà ga (sảnh ga đi, khu kinh doanh dịch vụ, miễn thuế, khu phòng chờ, hành lang ga đến,…).
Quy hoạch vị trí và giải pháp kết nối của nhà ga:
Phương án đề xuất quy hoạch mặt bằng tổng thể nhà ga để đảm bảo đủ diện tích kết nối hoàn chỉnh với sân đậu tàu bay, nhà để xe ô tô, đường giao thông ra vào sân bay và các hạng mục tiện ích khác (ga hàng hóa, đường sắt, đài chỉ huy, đường lăn, giao thông đường bộ,…), đáp ứng công suất thiết kế của cảng hàng không và đảm bảo khai thác đồng bộ với các giai đoạn phát triển của dự án trong tương lai.
Giải pháp thiết kế: phương án có đề cập đến các thuận lợi, bất lợi của điều kiện tự nhiên ở địa phương để đưa ra giải pháp về kiến trúc, kết cấu và sử dụng vật liệu nhằm đảm bảo tiết kiệm năng lượng cho công trình, thân thiện môi trường.
Giải pháp kết cấu: Kết cấu phần thân: Hệ kết cấu khung cột, sàn BTCT; dầm BTCT/thép. Kết cấu mái: Hệ kết cấu thép giàn không gian dạng Latice Shell (hoặc dạng shell) và dạng dàn phẳng.
Giải pháp sử dụng vật liệu: Sử dụng vật liệu phù hợp với kết cấu, nhu cầu sử dụng cho các khu vực chức năng của nhà ga và phù hợp với xu hướng sử dụng cho các nhà ga hàng không trên thế giới, đảm bảo độ bền, tính thẩm mỹ và đặc tính của nhà ga hàng không. Vật liệu phổ biến, có sẵn trên thị trường, đảm bảo điều kiện cung cấp, sửa chữa, bảo trì thuận lợi.
Quy mô, mặt bằng nhà ga Nhà ga được bố trí theo dạng tập trung, gồm nhà ga trung tâm và 3 cánh; nhà ga được thiết kế với 2 cao trình đi và đến tách biệt, gồm 4 tầng, chiều cao đỉnh mái là 52,2m.
Tổng diện tích sàn 399.987 m2 và được bố trí từ trên xuống như sau:
+ Tầng 4 (cao độ +15m): Có diện tích sàn 63.256m2;
+ Tầng 3 (cao độ +10m): Có diện tích sàn 87.604m2;
+ Tầng 2 (cao độ +5m): Có diện tích sàn 131.749m2;
+ Tầng 1 (cao độ +0m): Có diện tích sàn 117.377m2;
Phương án bố trí nhà để xe phía trước nhà ga, gồm 4 cao trình, có tổng diện tích sàn khoảng 144.000m2. Mặt bằng nhà ga được bố trí tách biệt giữa quy trình khai thác quốc tế và quốc nội, hợp lý với tỷ lệ khách quốc tế là 80% và khách quốc nội là 20%.
Phương án thể hiện sơ đồ quy trình hàng không (bao gồm quy trình khách đi quốc tế/quốc nội, quy trình khách đến quốc tế/quốc nội, khách nối chuyến, quy trình xử lý hành lý…) để đáp ứng công suất khai thác 25 triệu hành khách/năm với mô hình an ninh soi chiếu tập trung.
Phương án bố trí đầy đủ các khu vực tiện ích của nhà ga hàng không theo đúng các quy chuẩn hiện hành (Khu vực kinh doanh hàng miễn thuế DFS, kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát; khu dịch vụ quá cảnh, khu vực dịch vụ phòng chờ CIP, VIP, văn phòng, kho,…).
Nguyên Minh
Theo Trí thức trẻ