Sắp có cơ chế pháp lý rõ ràng cho condotel và biệt thự nghỉ dưỡng
Thị trường condotel và biệt thự nghỉ dưỡng phát triển bùng nổ chỉ trong 2 năm gần đây, trong khi thực tế pháp luật chưa điều tiết cụ thể.
Trước thực trạng đó, Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời các kiến nghị của Hiệp hội BĐS Việt Nam về một số vấn đề liên quan đến loại hình BĐS này.
Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể đối với loại hình công trình này. Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, đề xuất một số nội dung liên quan đến condotel:
Về pháp luật đất đai: Bộ sẽ sửa đổi, bổ sung quy định về phân loại và cơ chế sử dụng đất hỗn hợp (vừa sử dụng làm đất ở, vừa là đất thương mại dịch vụ) và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với loại hình BĐS này (đề nghị giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì nghiên cứu).
Bộ Xây dựng cũng đề nghị bổ sung quy định về thu tiền sử dụng đất đối với đất hỗn hợp để phù hợp với loại hình BĐS này (đề nghị giao Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì nghiên cứu).
Đồng thời, Bộ cũng sẽ nghiên cứu những kiến nghị của VNREAL về thời hạn sở hữu, chuyển nhượng hợp đồng, sở hữu đối với người nước ngoài, đầu tư hạ tầng,...và sẽ phối hợp với cơ quan ban ngành để giải quyết.
Tại Đà Nẵng, nơi dự án condotel và resort phát triển rầm rộ thời gian qua cũng đang được chính quyền địa phương quan tâm. UBND TP Đà Nẵng cũng vừa có văn bản giao cho Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên và Môi trường, nghiên cứu các quy định của pháp luật để xây dựng Quy chế quản lý việc đầu tư xây dựng và vận hành các dự án condotel và biệt thự du lịch (tourist villa).
Theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, 2 loại hình BĐS này đang phát triển “nóng”, nhất là khu vực ven biển – các khu vực yêu cầu cao về mặt kiến trúc cảnh quan và công tác quản lý đô thị. Điều này sẽ gây sức ép lên hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của khu vực lân cận, không đảm bảo hạ tầng, ảnh hưởng đến người dân, dễ xảy ra khiếu kiện về sau.
Bình An
Theo Trí thức trẻ