6 siêu dự án văn hóa, giải trí trong tương lai khiến cả thế giới phải thay đổi suy nghĩ về Hà Nội
"Đến Hà Nội chỉ có... ăn và ngắm" là cảm nhận của nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, sẽ có một Hà Nội hoàn toàn khác trong mắt du khách chỉ trong vài năm tới khi hàng loạt công trình văn hóa tầm cỡ thế giới, những khu vui chơi lớn nhất khu vực đang từng bước được hoàn thiện.
1. Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia lớn thứ 5 thế giới
Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia mới nằm trên địa bàn giao giữa 3 xã Xuân Canh, Mai Lâm và Đông Hội thuộc huyện Đông Anh, cách trung tâm Hà Nội 15km là dự án triển lãm và hội chợ lớn nhất châu Á và đứng thứ 5 thế giới do Vingroup làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 90 ha với tổng mức đầu tư vào khoảng 36.000 tỷ đồng.
Nơi đây sẽ là một “Thành phố Triển lãm” với tổ hợp các công trình đa chức năng, đồng bộ. Công trình bao gồm các phân khu chức năng chính như: Khu triển lãm trong nhà và ngoài trời; Trung tâm xúc tiến thương mại; Trung tâm hội nghị và các khu phụ trợ khác như khách sạn 5 sao 52 tầng; Trung tâm thương mại…
Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia có thiết kế tuyệt đẹp theo hình bông sen. Các tòa nhà triển lãm sẽ được sắp xếp giống như những cánh hoa nở rộ xung quanh phần nhụy hoa.
Cùng với khu triển lãm, công trình còn có không gian xanh, mặt nước, công viên và đô thị... tạo thành một quần thể trọn vẹn, tạo nên sức mạnh cộng hưởng, thu hút các hoạt động kết nối, giao lưu..
Dự kiến dự án sẽ được hoàn thành vào quý IV/2018, đáp ứng nhu cầu triển lãm, hội chợ trong và ngoài nước, xứng tầm là công trình trọng điểm quốc gia và quốc tế, hứa hẹn tạo động lực phát triển mạnh mẽ và đem lại diện mạo hiện đại cho vùng bắc sông Hồng.
2. Nhà hát Opera tầm cỡ thế giới ở Hồ Tây
Nhà hát Thăng Long nằm trong quy hoạch khu đô thị mới Tây hồ Tây, với quy mô khoảng 22ha. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 4.500 tỷ đồng bao gồm một khối biểu diễn hòa nhạc cổ điển với sức chứa lên tới 1.200-1.500 chỗ, một khối biểu diễn đa chức năng 1.800 chỗ. Ngoài ra có không gian tổ chức biểu diễn ngoài trời và nhiều phòng chức năng.
Tháng 9/2010, thành phố Hà Nội đã quyết định chọn phương án thiết kế ý tưởng kiến trúc công trình Nhà hát Thăng Long do nhà tư vấn Renzo Piano Building Workshop thiết kế. Phương án của Renzo Piano được đánh giá cao bởi tính hiện đại, mới mẻ và độc đáo. Ý tưởng kiến trúc của ông được lấy cảm hứng từ cánh buồm đỏ tại Vịnh Hà Long, như là một cách điệu của Chùa Một Cột, cầu Thê Húc…
Quần thể công trình tổ chức thành 3 khu gồm nhà hát, sân khấu ngoài trời, nhà để xe đều nổi trên cao, nhường không gian mặt nước và cây xanh cho công viên.
Cấu trúc công trình chủ yếu sử dụng vật liệu thép, kính. Hệ thống mái sử dụng công nghệ tích tụ năng lượng, hệ thống bao che sử dụng các ống nước thuỷ tinh làm giảm bức xạ nhiệt vào mùa hè.
Công trình chính tổ chức hợp khối, phòng hoà nhạc cổ điển bố trí trên phòng biểu diễn đa chức năng.
Theo kế hoạch, lễ động thổ công trình Nhà hát Thăng Long dự kiến tổ chức vào 7/10/2010. Tuy nhiên, do công tác chuẩn bị cho lễ động thổ công trình chưa kịp nen Hà Nội đã quyết định lùi ngày khởi công. Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết Hà Nội sẽ xây dựng công trình trong năm 2018.
Cùng với nhà hát Opera Thăng Long, Hà Nội cũng đang chuẩn bị xây dựng nhà hát bông sen tại khu công viên và Hồ điều hòa Cầu Giấy thành khu biểu diễn đa năng tiêu chuẩn quốc tế; trung tâm khởi nghiệp và nghiên cứu khôi phục công trình có giá trị lịch sử đặc biệt, “tháp Effel nằm ngang của Việt Nam” - là cầu Long Biên.
3. Công viên Kim Quy - "Disneyland" của Hà Nội
Dự án Công viên văn hóa du lịch vui chơi giải trí Kim Quy có quy mô hơn 100 ha tại huyện Đông Anh do Tập đoàn Sungroup làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 4.600 tỷ đồng. Thiết kế công viên Kim Quy là sự kết tinh giữa những nét văn hóa đặc sắc ngàn đời của vùng đất Cổ Loa và sự hiện đại của mô hình Universal Studios - Disneyland nổi tiếng toàn cầu. Sau khi hoàn thành công viên Kim Quy sẽ là công viên hiện đại bậc nhất khu vực, sánh tầm thế giới.
Công viên Kim Quy được lấy cảm hứng từ truyền thuyết Loa thành, mặt bằng tổng thể công viên được thiết kế mang hình dáng của thần Kim Quy đang hướng về phía thành Cổ Loa và bốn chân tọa lạc vững chãi.
Điểm khác biệt lớn của Công viên Kim Quy là khu vườn cây xanh và khu công viên công cộng mang lại không gian rộng mở cho người dân thực hiện các hoạt động ngoài trời thú vị.
Cùng với sự đặc sắc trong thiết kế, công viên Kim Quy hội tụ những trò chơi công nghệ cao hàng đầu thế giới. Nơi đây sẽ bao gồm những trò chơi thực tế ảo, game giải trí công nghệ cao, hiện đại.
Dự án được tập đoàn Sungroup động thổ trong tháng 9/2016 .Giai đoạn 1 của Công viên Kim Quy dự kiến hoàn thành vào phục vụ năm 2018. Với công viên Kim Quy, đây là lần đầu tiên Thủ đô Hà Nội có một công viên đẳng cấp quốc tế mô phỏng truyền thuyết lịch sử và mang đậm dấu ấn văn hóa của mảnh đất ngàn năm văn hiến.
4. Công viên giải trí trong nhà lớn nhất Việt Nam Hello Kitty
Trong năm 2016, Sanrio - Công ty chủ quản của các công viên giải trí mang thương hiệu Hello Kitty đã ký thoả thuận với tập đoàn BRG của Việt Nam nhằm xây dựng công viên tại tại khu đất số 200 đường Yên Phụ, phường Yên Phụ và phường Quảng An, quận Tây Hồ. Theo kế hoạch, đây sẽ là công viên giải trí thứ 6 của Sanrio ở nước ngoài.
Ngoài Hello Kitty, các nhân vật hoạt hình nổi tiếng châu Á khác cũng sẽ được trưng bày.
Dự kiến, công viên Hello Kitty sẽ được ra mắt trong quý IV/2018.
Việt Nam hiện chưa có những công viên giải trí hàng đầu thế giới như của Disneyland hay Universal Studios nên việc sớm đưa dự án vào hoạt động sẽ giúp Hello Kitty có những lợi thế. Sanrio và BRG cũng muốn tranh thủ các điều kiện này để thu hút người chơi.
5. Dự án trường đua ngựa 500 triệu USD đẳng cấp thế giới
Tháng 9/2016, Tổng công ty Du lịch Hà Nội và Công ty CP Global Consultant Network đã chính thức ký thỏa thuận tái khởi động lại dự án trường đua ngựa 500 triệu USD tại Sóc Sơn, Hà Nội sau 9 năm bất động.
Đua ngựa và các dịch vụ liên quan là một ngành kinh doanh giải trí mang lại lợi nhuận cao ở nhiều nước.
Được biết, đây là một Tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, trường đua ngựa, sân golf tiêu chuẩn 5 sao tại Sóc Sơn (Hà Nội), với tổng diện tích 1.200ha. Sau khi hoàn thiện, dự án được kỳ vọng sẽ trở thành một trường đua ngựa đẳng cấp thế giới,.là nơi thu hút một lượng lớn khách du lịch đến với Hà Nội.
6. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hơn 11.000 tỷ đồng lớn nhất Việt Nam
Bảo tàng Lịch sử quốc gia được xây dựng tại ô đất số 7 khu đô thị mới Tây Hồ Tây, Hà Nội với tổng diện tích sử dụng gần 10ha. Đây sẽ là công trình hiện đại, công nghệ tiên tiến đáp ứng việc bảo tồn, sưu tầm, trưng bày hiện vật qua nhiều thời đại và là một công trình văn hóa hiện đại xứng tầm với lịch sử dân tộc, một bảo tàng lớn nhất Việt Nam. Dự án đặc biệt này có tổng vốn đầu tư 11.277 tỷ đồng.
Dựa theo truyền thuyết con Rồng cháu Tiên, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được thiết kế với hình khối tượng trưng cho “thai rồng”.
Khuôn viên bao quanh bởi nước thực sự là biểu tượng cho hình ảnh về nguồn cội của con dân đất Việt.
Công trình gồm có 4 hạng mục xây dựng: Tòa nhà chính; Khu tưởng niệm danh nhân; Khu trưng bày ngoài trời; Hạng mục kỹ thuật phụ trợ, cây xanh, cảnh quan.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, dự án Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sẽ được xây dựng vào năm 2021. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là bảo tàng lịch sử lớn nhất Việt Nam.
Thanh Ngà
Theo Trí thức trẻ