Sôi động thị trường nghỉ dưỡng ngoại ô đợt cuối năm
Chất lượng cuộc sống được nâng tầm cũng đồng nghĩa với nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân tại các đô thị lớn ngày càng tăng. Năm 2016 được các chuyên gia đánh giá là năm của bất động sản nghỉ dưỡng với sự bùng nổ của nguồn cung và lượng giao dịch lớn.
Theo trào lưu nghỉ dưỡng
Sau thời gian biến động của thị trường bất động sản, tư duy đầu tư dài hạn, khả năng vận hành kinh doanh được nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn. Trong đó, khái niệm mới “Bất động sản không bất động” là cách mà các nhà đầu tư nói về bất động sản nghỉ dưỡng.
Trong thời gian qua, cùng với chính sách mở rộng thủ đô, phát triển kinh tế lấy du lịch làm trọng tâm của Chính phủ, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng ven đô đã có nhiều khởi sắc. Sản phẩm này được xem là khoản đầu tư duy nhất đạt được yếu tố “1 đầu tư, 3 sở hữu”, đó là sở hữu một tài sản tăng trưởng, một khoản lợi tức kinh doanh từ cho thuê, và một kỷ nghỉ hàng năm từ 15-30 ngày tùy sản phẩm.
“Khoảng cách” đem đến nhiều lợi thế
Thay vì một căn Condotel khoảng 2,5 tỷ đồng hay một biệt thự biển giá quanh ngưỡng 10 tỷ đồng, nghỉ dưỡng ngoại ô có giá “mềm” hơn rất nhiều. Một sản phẩm điển hình gồm cả đất và biệt thự hoàn thiện hiện chỉ giao động từ 1- 2 tỷ đồng.
Đặc biệt, tại các địa điểm có nhiều tiềm năng để khai thác loại hình nhà ở này như khu vực Lương Sơn - Hòa Bình, lượng giao dịch trong thời gian qua có sự gia tăng rõ rệt. Theo đánh giá của ông Đinh Văn Phú - Giám đốc sàn giao dịch bất động sản Aland thì tại một dự án trong khu vực này, nhà đầu tư được sở hữu 250m2 đất ở sử dụng vĩnh viễn kèm biệt thự 3 phòng ngủ đầy đủ nội thất, sân vườn… chỉ với mức giá 2,2 tỷ đồng - Đây được xem là mức giá có sức cạnh tranh lớn so với các loại hình nghỉ dưỡng khác.
Không chỉ dành được ưu thế trong “khoảng cách” về giá, biệt thự nghỉ dưỡng ngoại ô còn tạo được “khoảng cách” thực sự về giao thông. Từ trung tâm thủ đô di chuyển đến các khu nghỉ ngoại ô thường chưa đến 1 giờ ô tô, có một số khu chỉ cách 30 phút chạy ô tô. Thời gian di chuyển ngắn, giao thông thuận tiện khiến cho chủ sở hữu thực sự muốn gắn bó với “ngôi nhà thứ 2” này.
Lợi nhuận cho thuê được cải thiện
Theo khảo sát, lợi tức cho thuê của biệt thự ngoại ô do các đơn vị quản lý đưa ra hiện nay khoảng từ 6-10%/năm và cam kết trong 10 năm tùy sản phẩm và đang có xu hướng tăng dần.
Trong thời gian trước, nhiều người khi nghĩ đến ngoại ô chỉ nhớ đến thời người người mua trang trại để thỏa mãn đam mê được tìm về một không gian trong lành. Nhu cầu ngày càng nhiều nhưng phần lớn người sở hữu không đủ thời gian chăm sóc và vận hành khiến nhiều “khu vườn trong mơ” trở thành hoang hóa.
Nhận biết được điều này, trong thời gian qua, nhiều điểm nghỉ dưỡng ngoại ô đã có sự “thay da đổi thịt” khi xuất hiện các đơn vị tổ chức vận hành chuyên nghiệp.
Một “Xóm Hà Nội” tại Lương Sơn, Hòa Bình.
Nhiều trang trại cũ cũng được hoàn thiện lại, chăm sóc quản lý và cho thuê với loại hình “home stay” khá thành công. Các quần thể biệt thự gọi vui là “xóm Hà Nội” được chuyển đổi mô hình, đầu tư thêm các hạng mục dịch vụ và vận hành như các khu resort. Đặc biệt một số dự án được nghiên cứu kỹ lưỡng, đầu tư xây dựng thiết kế theo hướng thân thiện với môi trường và bảo tồn văn hóa địa phương...
Tại các nước phát triển, ở ngoại ô đồng nghĩa với sự sang trọng. Trong khi đợi sự phát triển về hạ tầng xã hội để biến các vùng ngoại ô thành các khu nhà ở, thì những khu nghỉ dưỡng đang là lựa chọn hàng đầu để người dân nội đô “đi trốn” sự ồn ào, khói bụi và nạp lại năng lượng sau những ngày làm việc vất vả.
Và hơn thế, là sở hữu một khoản đầu tư tăng trưởng tốt.
A.D
Theo Trí thức trẻ