Những kiệt tác kiến trúc bí ẩn từ thế giới cổ đại
Khi nói đến những kỳ quan cổ đại, những công trình như Petra, Angkor Wat hay Coliseum đã quen thuộc với những người yêu thích du lịch và tìm hiểu về lịch sử trên khắp thế giới. Cho đến nay những kỳ quan như đảo nổi Micronesian, thành phố ngầm Anatolian khắc trên đá núi lửa hay những khối tượng bằng đá lớn từ thời tiền sử vẫn là những kiệt tác kiến trúc bí ẩn đối với chúng ta.
1. Thành phố ngầm Derinkuyu, Thổ Nhĩ Kỳ
Thành phố ngầm dưới lòng một thị trấn nhỏ ở Derinkuyu, 750km về phía Đông Nam Istanbul, thuộc hệ thống hang động ngầm nhân tạo lớn nhất.
Kỳ quan Anatolia cổ đại này có tất cả những cơ sở hạ tầng của một trung tâm đô thị bao gồm các trường học, nhà thờ, các chuồng ngựa. Thay vì xây dựng nổi lên trên mặt đất, những khu vực sinh hoạt chung của Derinkuyu được chạm khắc từ đá núi lửa mềm có độ sâu 60 – 85m dưới lòng đất.
Được xây dựng từ giữa thế kỷ VII đến thế kỷ VIII trước Công nguyên, khu phức hợp dưới lòng đất này có vai trò phòng vệ chống lại những cuộc tấn công nhằm cướp bóc từ bên ngoài. Mặc dù ban đầu nó được dùng như một nơi trú ẩn tạm thời nhưng tiện nghi của thành phố ngầm này lại vô cùng ấn tượng, với 600 lối vào trên mặt đất, 15.000 ống thông gió giúp cung cấp không khí sạch cũng như những nhà máy rượu vang, các mạng lưới đường hầm và hành lang phức tạp.
Công trình hiện nay hiện là địa điểm thăm quan tuyệt vời cho khách du lịch.
2. Thành phố nổi Nan Madol, Micronesia
Được xây dựng khoảng năm 1200, thành phố nổi bí ẩn Nan Madol thuộc Micronesian bao gồm hệ thống các đảo đá bazan nhân tạo ngăn cách bởi một mạng lưới kênh rạch.
Nằm ở Pohnpei hơn 3.600km về phía Đông Philippines, Nan Madol như một khu dân cư của tầng lớp thượng lưu trên đảo, mỗi đảo nhỏ phục vụ một mục đích riêng như đóng xuồng, nấu ăn, chăm sóc người bệnh và nhiều khả năng trên đảo từng có những ngôi nhà lợp lá cọ.
3. Đền thờ Baalbek, Lebanon
Nằm trong thung lũng Beqaa phía Đông Lebanon, công trình kiến trúc cổ Baalbek vẫn được bảo quản tốt. Có niên đại khoảng 9.000 năm, địa điểm này đã từng là nơi cư trú của các dân tộc như Phoenicia, người Hy Lạp, người La Mã. Công trình được sử dụng với mục đích tôn giáo, thờ cúng các vị thần như Bacchus, Venus và Jupiter.
Đền thờ thần Jupiter còn sót lại 5 trong số 54 cây cột lớn nhất thế giới có chiều cao 22m và chu vi 2m. Dưới đền thờ có ba khối đá lớn, cho đến nay việc cắt và di chuyển các khối đá này vào vị trí vẫn là câu hỏi cho các nhà nghiên cứu. Một số cho rằng các khối đá được xếp đặt bằng việc sử dụng cần cẩu thời La Mã – thiết bị thô sơ, gồm một tời, một sợi dây thừng và ròng rọc.
4. Mái vòm Newgrance, hạt Meath, Ireland
Mái vòm lớn Newgrange nhô lên từ những cánh đồng đẹp như ngọc lục bảo của hạt Meath trông như những vật thể bay không xác định phủ cỏ xanh. Được xây dựng từ hơn 5.000 năm trước, trong thời kỳ đồ đá mới, công trình này xuất hiện trong văn hóa dân gian Ireland và được coi là một trong những cấu trúc cự thạch quan trọng nhất ở châu Âu.
Công trình có cấu trúc như một ụ khổng lồ được tạo nên từ các lớp đất đá lần lượt chồng xếp lên nhau. Với đường kính 76m, cao 12m và nằm trên một diện tích 4.500m2, di sản thế giới UNESCO này có bề mặt làm bằng đá thạch anh trắng được bổ sung trong quá trình trùng tu vào thập niên 1970. Bên trong là một lối đi trải dài 19m kết thúc với ba căn phòng nhỏ được cho là các địa điểm chôn cất thời cổ xưa.
5. Hang động Ajanta và Ellora, Maharashtra, Ấn Độ
Nằm ở phía Tây Bắc thành phố Aurangabad, hang động Ellora được xem là đỉnh cao của kiến trúc Ấn Độ. Ellora bao gồm 34 hang được chạm khắc trên bề mặt đá của những ngọn đồi Charanandri vào khoảng từ thế kỷ VI đến thế kỷ IX.
Những bức tranh và các tác phẩm điêu khắc cổ xưa làm nên giá trị cho hang động này. Những tác phẩm về chủ đề Phật giáo, được coi như khởi đầu của nghệ thuật cổ điển Ấn Độ. Ellora là nơi có đền thờ Kailasa được tạc hoàn toàn từ một tảng đá, vô cùng độc đáo và giá trị.
Khoảng 100km về phía Đông Bắc là hang động Ajanta – một trong những kỳ quan của thế giới cổ đại. Những hang động hoành tráng này được đẽo tạc vào những vách đá trong thời gian khoảng từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ thứ 7 để làm nơi xây dựng các đền chùa, thánh tích và phòng cầu nguyện Phật giáo.
(Theo Báo xây dựng)