Hàn Quốc kiến trúc là một giáo trình?
Điều đáng nói là quy mô, kích cỡ của không gian này không dừng lại ở một vài “dự án điểm” để tạo mồi nhắm cho truyền thông nhằm đánh bóng cho những điều… giả tưởng. Điều mà các nhà thiết kế quan tâm không chỉ dừng lại ở những căn phòng nhiều màu sắc hay một vài thay đổi về hình khối, tỷ lệ, kiểu dáng.
Trực cảm
Trong đời sống trẻ thơ và giới trẻ, triết lý của một bản quy hoạch đô thị, hình ảnh sinh động của một công trình kiến trúc và cả những ý tưởng thiết kế nội thất luôn là một người thầy lớn, một giáo trình rất lớn.
Ai đã từng đứng bên miệng núi lửa Seongsan hay những vách đá Jusangjeolli nổi tiếng ở đảo Jeju hẳn sẽ nhớ những con đường, những điểm quan sát hay một góc để… chụp ảnh. Cách tổ chức tuyến giao thông, những chất liệu xây dựng, mỗi chi tiết thiết kế luôn giúp công trình khéo ẩn mình trước thiên nhiên. Những điểm dừng luôn giúp du khách trực cảm mạnh mẽ nhất vẻ đẹp của tạo hóa. Những góc nhìn giúp con người nhận rõ hơn chính bản thân mình.
Ai đã từng đến công viên tre Taehwagang ở Ulsan sẽ tin rằng các ông bà, những phụ huynh đã nghỉ hưu và cả chủ nhân những gia đình trẻ sẽ vơi bớt đi thật nhiều muộn phiền, lo toan, stress trước khi trở về vui sống cùng bọn trẻ, con cháu.
Ai đã từng rảo bước trên đường tùng ở bờ biển Haeundae, Busan sẽ nhận thấy bên cạnh những con đường lát gỗ lãng mạn, những tuyến đường trải thảm Asphal tiện dụng luôn có những đường pít dành cho người chạy hay đi bộ. Những hạt cao su tổng hợp đỏ sậm không chỉ giúp giảm đi những chấn thương cho xương khớp. Nó ngầm cho biết cả Hàn Quốc là một sân vận động. Nơi đó dành cho và khích lệ mọi đứa trẻ có nhu cầu trở thành những vận động viên chuyên nghiệp. Nơi đó tiếp sức cho ước mơ có được sức mạnh không ngờ của các… siêu nhân.
Ai đã từng đến ngôi làng Hanok Jeonju nổi tiếng nhất Hàn Quốc, sẽ hiểu đây không chỉ là thủ phủ cuối cùng của vương triều Baekje hay nơi khởi nguồn của vương triều Joseon từng hùng mạnh suốt 500 năm. Bên cạnh những kiến trúc truyền thống tiêu biểu nhất lại là những chi tiết décor, trang trí hồn nhiên, sáng tạo đến bất ngờ. Nhịp sống chậm rãi, bình thản, an lành như được tô điểm thêm bởi những bức tranh tường được vẽ ra từ những câu chuyện cổ tích, những giấc mơ hay một phác thảo của niềm hy vọng.
Ai đã từng đến khu phi quân sự DMZ, biên giới tạm đình chiến từ năm 1953, hãy cứ để trái tim bị quyến rũ bởi những “hướng dẫn viên du lịch” mặc sắc phục lính, nhưng rất nên dành ít phút thả bộ trên một không gian nghệ thuật nằm không xa bãi đỗ xe. Nơi đó, không gian cảm xúc như được trải rộng hơn cùng những tác phẩm land art*, những điêu khắc tự vượt thoát chiều cao vật lý hay một kiến trúc hiện đại nổi bật trên mặt nước hoang sơ. Trên những biến đổi, biến dịch ấy của không gian lại là tập hợp thật nhiều những chiếc chong chóng giấy đủ màu.
Mượn món đồ chơi quen thuộc của trẻ con, mượn những thông điệp về ước mơ của tuổi thơ, các nghệ sĩ không chỉ nhắn người lớn rằng: xung đột, chiến sự, súng đạn không phải là giải pháp duy nhất để thay đổi các trật tự hiện hành của một thế giới đầy ngập sự ngu dốt, tăm tối và hận thù. Cho dù ở đâu, bất kể thời điểm nào thì cảm xúc, sự sáng tạo sẽ luôn hướng con người vươn tới cái đẹp, sẽ xui khiến con người ta Chân hơn, Thiện hơn và… Trẻ con hơn.
Từ nơi đây, các kiến trúc sư sẽ buộc phải quay lại Seoul để diện kiến DDP – Dongdeamun Design Plaza, tác phẩm mới nhất của Zaha Hadit (Giải thưởng Pritzker năm 2004).
Chưa ở đâu, chưa khi nào, kiến trúc Giải kết cấu lại có thể khiến cho những công trình ở quanh nó, những kiến trúc Tân cổ điển, Hiện đại, Hi-tech, những công trình chỉ hướng đến công năng, trở nên buồn thảm và thất vọng hơn thế!
Có người cho rằng: Dongdeamun Design Plaza được vẽ lại từ những chuyển động của vũ trụ. Có lời bình phẩm: Zaha Hadit cắc cớ đưa ra một mô hình, một lý thuyết hài hòa âm dương. Nhưng có lẽ điều thuyết phục hơn phải là những gì đọng lại trong ánh mắt trẻ thơ khi chúng chạy chơi quanh công trình. Lần đầu tiên chúng phát hiện ra những đường nét, những hình khối, những chuyển động chỉ có trong mơ, trong chuyện giả tưởng. Lần đầu tiên chúng hiểu rõ hơn về những điều có thể.
Tình người
Trong những ngày vừa qua, hình ảnh, ấn tượng khó phai nhất ở Hàn Quốc phải là những gì người Hàn đã dành cho những đứa trẻ là nạn nhân trong thảm họa chìm tàu Sewol.
Đêm trắng. Trước tòa nhà Quốc hội Hàn Quốc, nơi vẫn đang tổ chức quốc tang, tiếng nhạc Riquime của Mozart quyện với hương trầm và hương hoa cúc. Có một người đàn ông không mấy lúc dừng chân. Ông lặng lẽ đi, buộc, thắt lại từng dây băng lụa trên đó ghi những lời cầu nguyện. Ông cẩn trọng xếp lại những con thuyền giấy cho ngay ngắn hay chèn lại một biển hiệu bị xoay nghiêng vì gió lớn… Ngỡ tưởng mỗi cử chỉ nhỏ nhất của ông đều như đang trò chuyện cùng bọn trẻ xấu số. Nó day dứt như khi ta nghe lời hát ru xưa. Nó nâng giấc cho những linh hồn oan khuất với tất cả sự ân cần, nồng hậu, thánh thiện…
Câu hỏi
Ở khắp nơi, những cái tên như Hyundai, Samsung, LG… đã luôn len lỏi, hiện diện trong từng ngõ ngách của đời sống. Hằng ngày, trong từng ngôi nhà Việt có biết bao người phụ nữ thổn thức với phim truyền hình Hàn. Nơi công sở, biết bao nữ công chức tự tin hơn với mỹ phẩm Hàn. Và trên sân trường, có biết bao nam thanh, nữ tú luôn tìm thấy nhịp đập trái tim mình từ giai điệu Kpop hay một hình mẫu lý tưởng từ các thần tượng Hàn.…
Câu hỏi chung cần đặt ra là: Điều gì tạo nên “Kỳ tích sông Hàn”? Sức mạnh nào từ những nhịp sóng văn hóa Hàn? Động lực nào nuôi dưỡng khát vọng, ý chí cũng như cảm xúc của những ông chủ lớn? Môi trường sống nào khởi tạo sức mạnh, vẻ đẹp hình thể, vẻ đẹp tri thức và sức sáng tạo tưởng như không giới hạn của giới trẻ Hàn?
Hàn Quốc – kiến trúc là một giáo trình. Hình như trong đó đã ẩn chứa một số ý trả lời. Nhưng cuối dòng nhan đề bài viết này vẫn có một dấu chấm hỏi phân vân.