Mãn nhãn với lâu đài đá đen 'độc nhất vô nhị' ở Ninh Bình
Nhiều du khách khi ghé thăm lâu đài đá không khỏi trầm trồ và thán phục tài năng của các nghệ nhân người Việt. Bởi chỉ từ những phiến đá xù xì, thô sơ mà qua mài dũa đã tạo nên một công trình kiến trúc độc nhất vô nhị.
Về làng nghề chế tác đá Ninh Vân (Ninh Thắng, Hoa Lư, Ninh Bình), không ai không nhắc đến lâu đài đá ở trung tâm Tam Cốc của nghệ nhân Lương Văn Quang (SN 1973, Chủ tịch Hội làng nghề chế tác đá truyền thống Ninh Vân).
Theo lời nghệ nhân Lương Văn Quang, lâu đài đá được xây dựng trong 12 năm và đưa vào sử dụng hồi giữa năm 2020.
Điểm đặc biệt của lâu đài là được xây dựng chủ yếu bằng đá xanh Ninh Vân kết hợp với đá trắng ở Tây Nguyên và miền Trung Việt Nam. Nguyên liệu chủ yếu làm nên công trình là loại đá xanh Ninh Vân. Một số chi tiết được sử dụng đá trắng ở miền Trung và Tây Nguyên.
Sở dĩ việc xây dựng lâu đài tốn nhiều thời gian vì các công đoạn lắp ghép đá rất tỉ mỉ và chi tiết để đảm bảo an toàn và tính thẩm mĩ.
Theo gia chủ, thay vì sử dụng vôi vữa như thông thường thì hệ thống móng, cột, dầm, xà bằng đá của lâu đài được kết nối với nhau bằng kỹ thuật mộng đá (sử dụng keo dính truyền thống là vôi và mật mía).
Không gian tầng 1 và tầng 3 của lâu đài là không gian trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam như tranh sơn mài, tượng đá, đàn đá,… Đây cũng chính là nơi diễn ra triển lãm "Đồng vọng Hoa Lư", góp phần thu hút du khách khi về cố đô Hoa Lư.
Nhiều tác phẩm tại lâu đài có sự góp sức của nhiều tên tuổi nổi tiếng như họa sĩ Vũ Xuân Đông, nhà điêu khắc Đào Châu Khải, họa sĩ Lý Trực Sơn.
Tác phẩm “Vòm trần lịch sử Việt Nam” trong đại sảnh của biệt thự chính là một tác phẩm của họa sĩ Vũ Xuân Đông.
Vòm trần đại sảnh bằng đá, hệ thống cột đá, trán tường và tầng hầm của biệt thự mang dáng dấp của kiến trúc cổ điển Châu Âu kết hợp với các hình họa của truyện dân gian Việt Nam.
Phần gạch lát, mái ngói cong lại mang đậm nét văn hóa truyền thống của Việt Nam.
Tòa lâu đài mang dáng dấp của công trình kiến trúc Nhà thờ Phát Diệm – công trình bằng đá mang tính biểu tượng của Ninh Bình.
Từ vọng gác của lâu đài có thể phóng tầm mắt ra Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động.
Bên trên tòa lâu đài được xây dựng nhà khung gỗ, mái lát ngói truyền thống của người Việt.
Nhiều du khách nước ngoài khi ghé thăm lâu đài đá này không khỏi trầm trồ và thán phục tài năng của các nghệ nhân người Việt. Bởi chỉ từ những phiến đá xù xì, thô sơ mà qua mài dũa đã tạo nên một công trình kiến trúc độc nhất vô nhị.
( Theo tienphong.vn)