Cải thiện chỉ số cấp phép xây dựng
Trong năm 2020, các tháng đầu năm 2021, Bộ Xây dựng đã triển khai nhiều giải pháp cải thiện chỉ số cấp phép xây dựng. Đây là một trong những nỗ lực của Bộ nhằm thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Mạnh dạn cải cách trong quản lý dự án đầu tư xây dựng
Điển hình, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Nghị định có nhiều điểm mới, cải cách về thủ tục thẩm định dự án, thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, cải cách chỉ số cấp phép xây dựng.
Cụ thể, về lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng và về lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP làm rõ nội dung, trình tự, thẩm quyền thẩm định quyết định, cơ quan chuyên môn về xây dựng bảo đảm phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 (Luật số 62/2020/QH14) và Luật Đầu tư năm 2020, Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020.
Theo đó, giảm đối tượng phải thẩm định tại cơ quan chuyên môn về xây dựng; tăng cường phân cấp thẩm quyền thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành cho cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc UBND cấp tỉnh; giao quyền chủ động cho UBND cấp tỉnh trong việc phân cấp thẩm quyền thẩm định cho cơ quan được giao quản lý xây dựng thuộc UBND cấp huyện và điều chỉnh việc phân cấp thẩm định của Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
Nghị định số 15/2021/NĐ-CP làm rõ nội dung, thẩm quyền phê duyệt; Chủ đầu tư được ủy quyền cho Ban quản lý dự án trực thuộc (Ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực hoặc Ban quản lý dự án một dự án) phê duyệt; phân cấp toàn diện thẩm quyền thẩm định cho UBND TP Hà Nội, TP.HCM đối với dự án do thành phố quyết định đầu tư hoặc phân cấp, ủy quyền quyết định đầu tư...
Nghị định số 15/2021/NĐ-CP đồng thời làm rõ nội dung, thẩm quyền phê duyệt thiết kế xây dựng; quy định cụ thể về thẩm quyền thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ đối với dự án đầu tư xây dựng có công nghệ hạn chế chuyển giao hoặc dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường…
Đặc biệt, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP làm rõ điều kiện cấp giấy phép xây dựng; quy cách, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng khi nộp trực tiếp, thông qua dịch vụ công trực tuyến; thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng phù hợp với từng trường hợp, đối tượng công trình; đơn giản hóa bản vẽ thiết kế trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng; làm rõ trường hợp điều chỉnh thiết kế xây dựng không phải thực hiện điều chỉnh giấy phép xây dựng.
Nghị định số 15/2021/NĐ-CP bổ sung quy định về các trường hợp thu hồi giấy phép xây dựng; trình tự thu hồi, hủy giấy phép xây dựng; bổ sung quy định về nội dung kiểm tra, đánh giá hồ sơ để cấp giấy phép xây dựng của cơ quan cấp giấy phép xây dựng; công khai giấy phép xây dựng...
Đẩy mạnh phối hợp với các bộ, ngành chuyên ngành
Trước đó, cũng liên quan đến giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ Xây dựng đã góp ý với Bộ TN&MT (đơn vị chủ trì soạn thảo), báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022).
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định thời điểm đánh giá sơ bộ tác động môi trường được thực hiện trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng; đề xuất chủ trương đầu tư, đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc đối tượng phải đề nghị quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, xây dựng; thủ tục thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án đầu tư xây dựng thuộc đối tượng phải được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định của pháp luật về xây dựng…
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với Bộ Công an trong công tác thẩm định thiết kế xây dựng với công tác thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy; kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng với kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy theo Quy chế phối hợp số 04/QCPH-BCA-BXD giữa Bộ Công an và Bộ Xây dựng.
Các Cục, Vụ thuộc Bộ Xây dựng phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực trong phòng cháy, chữa cháy và xây dựng giai đoạn 2021 - 2025.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng đã tập trung thực hiện rà soát, đề xuất xử lý các quy định chưa cụ thể, còn mâu thuẫn, chồng chéo trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng và tài nguyên, môi trường, bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội; rà soát quy định pháp luật về đất đai; góp ý đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành các danh mục văn bản quy phạm pháp luật đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới…
Các nỗ lực nói trên đã mang lại hiệu quả tích cực, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
( Theo Báo Xây Dựng)