Giá đất 5 huyện ven đô đồng loạt tăng
Hiện giá đất đường lớn ở Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh đạt 16-92 triệu đồng mỗi m2, tăng 3-20% so với cuối năm 2020.
Khảo sát giá bất động sản tại một số huyện được định hướng lên quận trên địa bàn TP HCM của Công ty DKRA Việt Nam cho biết, Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn hiện đạt giá đỉnh 45-92 triệu đồng mỗi m2. Tính đến tháng 3/2021, dữ liệu thị trường cho thấy giá đất huyện ven đô vẫn tăng ở biên độ phổ biến 3-20% so với hồi cuối năm ngoái, bất chấp đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong đợt bùng phát thứ ba (hồi cuối tháng 1/2021).
Trong quý đầu năm, Cần Giờ là điểm nóng tăng giá đất vượt trội so với 4 huyện còn lại: Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi. Đất thổ cư một số trục đường lớn ở thị trấn Cần Thạnh và xã Long Hòa (huyện Cần Giờ) rao bán trong khoảng 17-55 triệu đồng mỗi m2, tăng 10-20% so với đầu năm 2020. Là huyện đảo ven biển duy nhất của Sài Gòn, Cần Giờ có đất dự trữ nhiều nhất đồng thời nằm xa trung tâm nội đô nhất so với các huyện còn lại nhưng địa bàn này lại có biên độ tăng giá cao nhất trong 5 huyện ven đô được định hướng lên quận của TP HCM.
Nguyên nhân tăng giá là địa phương này có sự cập nhật thông tin khá liên tục về dự án đô thị lấn biển, phà vận tải đường biển Cần Giờ - Vũng Tàu được đưa vào khai thác và cầu Bình Khánh (thay cho phà cùng tên) đang chờ khởi công năm 2022.
Địa phương có biên độ tăng giá đất cao thứ hai trong 5 huyện vùng ven là Nhà Bè. Nhờ vị trí liền kề quận 7, sát vách khu đô thị đã phát triển là Phú Mỹ Hưng, giá đất nền dự án tại Nhà Bè được chào bán 16-55 triệu đồng mỗi m2, tăng 3-5% so với cuối năm 2020. Biên độ tăng giá này được cho là vẫn còn khiêm tốn so với vị trí khá thuận lợi và tiềm năng phát triển của Nhà Bè.
Địa bàn có biên độ tăng giá đất xếp thứ ba trong 5 huyện ven Sài Gòn là Hóc Môn. Đất thổ cư một số trục đường lớn ở Xuân Thới Thượng và xã Đông Thạnh được rao bán 20-45 triệu đồng mỗi m2, tăng 2-5% so với cuối năm ngoái. Biên độ tăng giá của Hóc Môn trong 3 tháng đầu năm được đánh giá là ổn định và phù hợp với tình hình phát triển của địa phương.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành đang xây dựng đoạn qua địa bàn huyện Nhà Bè.
Xếp thứ tư về biên độ tăng giá đất các huyện ven TP HCM là Bình Chánh với giá bán đất nền dự án trong ngưỡng 20-92 triệu đồng mỗi m2, nhiều nơi không biến động giá so với cuối năm 2020 nhưng vẫn có vài khu tăng nhẹ 5%. Cá biệt khu dân cư Trung Sơn được mệnh danh là phố nhà giàu của huyện Bình Chánh nhờ kết nối hạ tầng giao thông tốt về trung tâm TP HCM và quy hoạch bài bản nên có giá đất 88-217 triệu đồng mỗi m2. Là nơi có giá đất cao nhất của 5 huyện song biên độ tăng giá đất tại đây không cao vì đã đạt đỉnh.
Đứng cuối bảng về tốc độ tăng giá đất các huyện ven là Củ Chi. Đất thổ cư một số trục đường lớn ở thị trấn Củ Chi và xã Tân Phú Trung được chào bán 17-56 triệu đồng mỗi m2, tăng 3% so với cuối năm 2020. Biên độ tăng giá đất tại Củ Chi được cho là ít biến động, phù hợp với vị thế vùng ven có ít dự án so với 4 huyện còn lại.
Trao đổi với VnExpress, ông Trần Hiếu, Phó tổng giám đốc Tiếp thị và Kinh doanh DKRA Việt Nam cho biết, không bất ngờ về diễn biến tăng giá đất tại 5 huyện ven của TP HCM khi các địa phương này được định hướng lên quận trước năm 2025 và 2025-2030. Tuy nhiên, việc các huyện được cân nhắc lộ trình lên quận đã từng được công bố những năm trước, không phải là tin mới. Vì vậy, diễn biến tăng giá hiện nay phụ thuộc lớn vào sự khan hiếm hàng hóa đẩy giá lên cao và phụ thuộc vào tốc độ hoàn thiện hạ tầng nhiều hơn là tăng giá vì sự thay đổi diện mạo hành chính.
Chuyên gia này giải thích, TP HCM 2 năm qua không có nhiều nguồn cung mới chào bán ra thị trường ngoại trừ TP Thủ Đức có dự án quy mô đại đô thị ra hàng. Càng ít hàng hóa càng đẩy giá leo thang, các huyện vẫn còn dư địa hàng hóa cũ sẽ dần được tiêu thụ và tăng giá. Thêm vào đó, nửa thập kỷ qua, 5 huyện này được hưởng lợi từ nhiều thông tin tích cực về kết nối hạ tầng, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, các nhà đầu tư đã tham gia đông đảo, khiến giá biến động nhiều. "Dù là huyện ven, tiềm năng khá hấp dẫn, đây không phải là thị trường mới nổi mà đã hình thành mặt bằng giá và cộng đồng đầu tư tương đối ổn định", ông Hiếu nhấn mạnh.
Phó tổng giám đốc DKRA nhận xét, nếu nhìn mặt bằng giá đất tại 5 huyện ghi nhận vùng đỉnh dao động trong ngưỡng 45-92 triệu đồng mỗi m2, đây không phải là vùng giá rẻ nữa. Trong khi đó, vùng giá đáy của đất thổ cư tại 5 huyện này vào khoảng 16-20 triệu đồng mỗi m2 lại không còn nhiều và sẽ sớm leo thang tiệm cận cột giá cao hơn. Dù có nhiều tiềm năng phát triển, giá đất 5 huyện hiện nay khá cao bắt đầu khiến các nhà đầu tư phải thận trọng, cân nhắc hơn trước đây rất nhiều khi xuống tiền. Câu hỏi giới đầu tư sẽ đặt ra là giá lên cao thì biên lợi nhuận có thể kỳ vọng đến đâu?
Chuyên gia này cho rằng, với mặt bằng giá đất các huyện cao như hiện nay có thể dẫn đến sức ép cạnh tranh về giá so với các tỉnh vệ tinh, giáp ranh Sài Gòn, nơi cũng có kết nối vùng tốt dần lên nhờ vào các dự án đường vành đai, cao tốc, sân bay hoành tráng. Điển hình là Đồng Nai, Long An, Bình Dương có giá đất chỉ bằng một nửa các huyện Cần Giờ, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè. "Nước chảy về chỗ trũng nên trong thời gian tới, 5 huyện này nếu không phát triển với quy mô tương xứng sẽ vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt về giá từ các tỉnh vệ tinh của TP HCM", ông Hiếu cho hay.
( Theo Vnexpress)