Sớm điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM
Tính dự báo còn hạn chế, công tác quản lý chưa theo kịp sự phát triển, nguồn lực chưa được phân bổ phù hợp..., nên điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM là việc cần làm ngay.
Sáng 14-3, HĐND TP HCM và Đài Truyền hình TP đã phối hợp tổ chức chương trình "Lắng nghe và trao đổi" tháng 3-2021 về chủ đề "Điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM - Những vấn đề cần trao đổi".
Nhiều thành quả nhưng cũng không ít hạn chế
Đánh giá về việc thực hiện quy hoạch theo Đồ án quy hoạch chung xây dựng TP đến năm 2025 (gọi tắt là đồ án) được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 24/2010, Phó trưởng Ban Đô thị HĐND TP HCM Nguyễn Tấn Tuyến cho rằng đồ án cơ bản được thực thi theo đúng quy hoạch, định hướng, nhất là các hạ tầng khung, khu chức năng chính, quan trọng, các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối, đô thị hóa được mở rộng. Tuy nhiên, so với quy hoạch dự kiến thì khối lượng chưa đạt như kỳ vọng, thậm chí có phần chậm do thiếu nguồn lực; mới chỉ tập trung cho khu trung tâm, khu đô thị ở các hướng chưa được đầu tư, hình thành để tạo ra các cực thu hút theo định hướng là giãn dân nội thành. Đặc biệt, phân bổ nguồn lực còn dàn trải chưa tập trung cho chương trình trọng tâm, trọng điểm, nhiều công trình dở dang, kéo dài ảnh hưởng đến người dân. "Điều đó cho thấy TP đặt ra các chỉ tiêu cao nhưng kết quả còn khiêm tốn" - ông Tuyến nhận xét.
KTS Ngô Anh Vũ, Phó Giám đốc phụ trách Viện Quy hoạch và Xây dựng, cho rằng TP ngày càng hội nhập sâu với khu vực nhưng chưa tương xứng với nhu cầu. Bản thân TP vẫn bị cạnh tranh với các TP trong vùng, chưa bắt nhịp nhu cầu chuyển đổi các dịch vụ cao cấp.
Quy hoạch chung đúng hướng sẽ là tiền đề quan trọng thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân TP HCM
Theo Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã, đồ án đã giúp định hình được bộ mặt đô thị TP hiện nay. Nhiều khu đô thị, hạ tầng, trục đường giao thông hình thành và phát triển như Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Bệnh viện Nhi Đồng TP, hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn, đường Phạm Văn Đồng, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây… Tuy nhiên, việc thực hiện đồ án còn một số tồn tại về dự báo còn hạn chế, công tác quản lý chưa theo kịp sự phát triển, nguồn lực không được phân bổ phù hợp. "Do đó, TP cần phải xem xét, rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch. Đây là một yêu cầu phải làm ngay" - giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc nói.
Từ các phân tích trên, Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Đức Hải nhấn mạnh việc thực hiện đồ án quy hoạch chung trong thời gian qua đã góp phần quan trọng trong thay đổi diện mạo TP, làm cho TP hiện đại hơn. Nhưng cũng thẳng thắn thừa nhận có hạn chế, yếu kém trong dự báo; xây dựng và thực thi quy hoạch; kết nối vùng và nguồn lực để thực hiện quy hoạch.
Phải linh hoạt và sáng tạo
Nhận diện các tồn tại, TS Võ Kim Cương, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP, cho rằng từ năm 1993 đến nay đã xảy ra một thực tế là quy hoạch một đường nhưng thực thi lại không đúng hoàn toàn. Do đó, quy hoạch không nhất thiết "cứng" mà phải "mềm". Bởi dự báo mấy chục năm sau không thể chính xác nên phải có một đồ án quy hoạch linh hoạt. "Người ta gọi quy hoạch chiến lược, cái này thế giới đang làm. Việt Nam chưa làm nhưng chúng ta có thể vận dụng một số giải pháp của quy hoạch chiến lược. Đó là quy hoạch có nhiều người tham gia, linh hoạt theo cơ chế thị trường, quy hoạch, gắn với nguồn lực" - TS Võ Kim Cương hiến kế. Theo ông, việc quy hoạch gắn với nguồn lực sẽ giải quyết được bài toán thiếu nguồn lực mà TP gặp phải từ lâu nay. Do đó, TP cần phân tích nguồn lực trước, đưa ra những phương án mà nguồn lực có thể thực hiện được. Nguồn lực cũng cần được hiểu bao quát và toàn diện hơn như: điều kiện tự nhiên, thị trường, nhà nước…
Theo KTS Ngô Anh Vũ, cái khó của việc điều chỉnh quy hoạch chung lần sau là làm sao vừa tận dụng dư địa nhưng phải tiết kiệm cho thế hệ sau. Do đó, ở lần điều chỉnh này, ông Ngô Anh Vũ đề xuất bổ sung tinh thần đổi mới, sáng tạo; cụ thể mở rộng không gian đô thị, phải thấy cả trên mặt tiền sông, không gian biển, không gian ngầm. Còn KTS Lê Quốc Hùng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam - Bộ Xây dựng, góp ý cần tập trung vào những mô hình hiệu quả để tránh lãng phí tài nguyên. Đồng thời, phát triển giao thông theo chuỗi cung cầu như hướng phía Đông. Khu vực hiện hữu thì nên có cải tạo để tăng hiệu quả sử dụng.
Theo Phó Ban Đô thị Nguyễn Tấn Tuyến, việc quy hoạch không khả thi, dự án treo đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Do đó, khi điều chỉnh quy hoạch nhất thiết phải tính toán cụ thể đến vấn đề này. Nghĩa là chính quyền cần có những chính sách phù hợp để bảo đảm quyền với lợi ích cho người dân trong vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư và nhất là sau khi tái định cư phải bảo đảm cuộc sống mới tốt hơn nơi ở cũ. Có như vậy người dân mới đồng thuận, sẵn sàng ủng hộ cho việc triển khai các công trình. "Ban Đô thị đề nghị các sở, ngành khi tham mưu lập quy hoạch điều chỉnh cần lưu ý 3 vấn đề. Một là ngoài các chương trình đột phá, trọng điểm mà TP đã đề ra cần chú trọng đến 4 đề án: chính quyền đô thị, điều tiết ngân sách, xây dựng trung tâm tài chính, xây dựng TP Thủ Đức. Hai là có giải pháp thể hiện vai trò hạt nhân của TP HCM trong liên kết vùng. Ba là xem xét cẩn trọng và ứng phó với biến đổi khí hậu" - ông Tuyến nói.
Đồ án quy hoạch chung TP HCM được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 24/2010 định hướng phát triển không gian TP theo mô hình tập trung - đa cực, khu vực trung tâm là nội thành và 4 cực phát triển.
( Theo Người Lao Động )