Những chính sách mới tác động đến thị trường BĐS 2020
Năm 2020 được xem là năm mà Chính phủ đã và đang nỗ lực để giải quyết những khó khăn về pháp lý cho thị trường BĐS.
Mặc dù còn nhiều nút thắt chưa được tháo gỡ nhưng những chính sách ban hành đầu năm 2020 đã hỗ trợ phần nào cho thị trường BĐS vốn đang gặp khó khăn.
Quyết định 430/QĐ-TTG: Ngày 3/4/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 430 về việc phê duyệt, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung Tp.HCM đến năm 2025. Theo đó, điều chỉnh này đã tác động rõ nét đến thị trường BĐS 3 khu vực là Q.9, Q.2 và Q.Thủ Đức thuộc phía Đông Tp.HCM, tạo điều kiện cho các khu vực này phát triển.
Theo Quyết định điều chỉnh quy hoạch này thì khu vực phường Long Phước, Quận 9: Thay đổi định hướng quy hoạch đất khu du lịch nghỉ dưỡng phát triển mới để thực hiện các điều chỉnh sau:
Bổ sung chức năng Khu công nghệ cao (Khu công viên khoa học và công nghệ), quy mô 166,2 ha với tính chất là khu vực nghiên cứu, thực nghiệm, chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ; liên kết và bổ sung các chức năng cho Khu công nghệ cao hiện hữu, làm cơ sở nghiên cứu khu đô thị sáng tạo tương tác cao ở phía Đông thành phố (gồm Quận 2, Quận 9, quận Thủ Đức). Bố trí đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng.
Điều chỉnh hướng tuyến của tuyến đường chính nội đô dự kiến được định hướng tại Quy hoạch năm 2010 và bổ sung cầu qua sông Tắc để kết nối với đường vành đai 3 – Tp.HCM và khu công nghệ cao Tp.HCM hiện hữu.
Đối với khu vực phường Long Bình và Long Thạnh Mỹ, Quận 9: Thay đổi định hướng quy hoạch đất khu du lịch nghỉ dưỡng phát triển mới để thực hiện các điều chỉnh như: Bổ sung chức năng đất khu ở phát triển mới quy mô diện tích khoảng 135,3 ha. Bố trí đầy đủ hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng;
Đồng thời, điều chỉnh vị trí và tăng quy mô diện tích khu cây xanh công viên thể dục thể thao cấp đô thị từ 3,7 ha thành khoảng 36 ha; Điều chỉnh vị trí và tăng quy mô diện tích khu công cộng cấp đô thị từ 9,7 ha thành 13,1 ha (trong đó, diện tích đất y tế khoảng 5,8 ha, diện tích đất trường học khoảng 7,3 ha); Bổ sung tuyến đường kết nối đường vành đai 3 – Tp.HCM với đường Long Phước theo quy chuẩn đường chính đô thị; điều chỉnh các tuyến đường giao thông khu vực để kết nối đồng bộ các khu vực khác của thành phố.
Thông tin tích cực này ngay lập tức tạo nên sức hút cho BĐS khu Đông Sài Gòn.
Quyết định 41/2020/NĐ-CP: Ngày 8/4/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế quy định việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất. Trong đó, Chính phủ đã quyết định bổ sung hoạt động kinh doanh BĐS vào danh sách các đối tượng được hưởng gia hạn.
Nghị định này có hiệu lực đã tác động đến hoạt động kinh tế nói chung, các doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS nói riêng.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề lên thị trường BĐS, khiến cho các hoạt động rơi vào trạng thái "ngủ đông" thì việc Chính phủ quyết định bổ sung hoạt động kinh doanh BĐS vào danh sách các đối tượng được hưởng gia hạn (lùi nộp thuế một khoản tiền) là tín hiệu đáng mừng, tạm thời hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp này đỡ sức ép về tài chính để vượt qua khó khăn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư Tp.HCM, có nhóm các dự án không được hưởng lợi từ Nghị định số 41/2020/NĐ-CP bao gồm: dự án du lịch và dự án condotel xin nộp tiền sử dụng đất 1 lần (để thế chấp ngân hàng, để không tính tiền thuê theo kỳ và dự án condotel bán căn hộ du lịch);các dự án nhà ở thuộc diện đất ở là đất được giao (đấu giá, hoặc giao đất không qua đấu giá); các dự án tự bồi thường (bồi thường cho dân trước khi có quyết định phê duyệt dự án) qua hình thức nhờ cá nhân nhận chuyển nhượng không phải do công ty đứng tên, không trực tiếp thuê đất từ Nhà nước.
Nghị quyết số 41/NQ-CP: Ngày 9/4/2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP về việc hỗ trợ an sinh xã hội, phòng chống dịch bệnh, đồng thời thực hiện các giải pháp cho sản xuất kinh doanh, trong đó có thị trường BĐS.
Theo đó, với Nghị quyết này, Chính phủ đã giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định, Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hằng năm phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19; giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để hỗ trợ trong bối cảnh đại dịch Covid-19
Nghị quyết số 71/2018/QH14: Trong năm 2020, từ Nghị quyết này Chính phủ cân đối thêm 1.000 tỉ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội, và bổ sung 2.000 tỉ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định, từ đó có thể huy động được hơn 60.000 tỷ để thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp vay xây nhà ở xã hội và người dân vay để mua, thuê nhà ở xã hội.
Nghị quyết này đang được xem là "làn gió mới" cho phân khúc nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người có thu nhập trung bình, thấp.
Cùng với đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, Dự thảo Nghị quyết về khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp đang được Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thiện và dự kiến trình Chính phủ thông qua trong quý 3/2020.
Theo đó, nhà ở thương mại giá thấp để bán có tiêu chuẩn thiết kế căn hộ khép kín, diện tích sử dụng dưới 70 m2, giá bán không quá 20 triệu đồng/m2; tối đa một căn hộ được bán với giá không vượt quá 1,5 tỷ đồng (bao gồm cả VAT).
Cũng trong năm 2020, Chính phủ cũng tập trung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, trong đó dự kiến sẽ có nhiều điểm mới tháo gỡ những rào cản, vướng mắc nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư cải tạo lại các chung cư cũ tại các thành phố lớn, vừa chỉnh trang bộ mặt đô thị, vừa đảm bảo chỗ ở an toàn cho người dân.
Đồng thời, bãi bỏ thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng của Bộ Xây dựng và phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt.
Theo đại diện Bộ Xây dựng, có thể nói các giải pháp của Chính phủ vừa qua là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS, xây dựng tạo đà khôi phục lại sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các nút thắt của thị trường BĐS mới giải quyết được một phần, cần những quyết sách đồng bộ, quyết liệt hơn nữa để gỡ khó cho thị trường BĐS phát triển ổn định, dài hạn.
( theo Tổ Quốc)