Realtor Việt Nam - Website hiệp hội môi giới Bất Động Sản Việt Nam

Doanh nghiệp “đua nhau” săn mặt bằng nhà phố khu Tây

Biên Tập Viên - Thứ hai, 17/10/2016 | 07:23 GMT +7

Mặt bằng bán lẻ, nhà phố cho thuê khu Tây Sài Gòn đang nóng lên từng ngày do nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Đại diện một thương hiệu thời trang có tiếng tại Sài Gòn đang ngắm mặt bằng nhà phố rộng gần 200m2 trên tuyến đường Âu Cơ, quận Tân Phú, Tp.HCM để mở chi nhánh mới. Dù đã tìm được vị trí ưng ý với giá thuê hợp lý nhưng đơn vị này đang phải thương lượng lại với chủ nhà vì một doanh nghiệp khác sẵn sàng trả phí thuê cao hơn để giành mặt bằng về tay họ.  

Không chỉ vậy, chủ nhà còn nhất quyết không chịu ký cam kết cho thuê lâu dài cũng như thời gian đàm phán lại giá thuê. Ban đầu hai bên cam kết mức giá thuê 2500 USD/tháng. Tuy nhiên, đến khi sắp ký thì chủ nhà đổi ý tăng giá thuê lên thêm 20% và chỉ chấp nhận ký hợp đồng thuê 2 năm. Đại diện doanh nghiệp cho biết giá thuê tăng nhưng họ vẫn phải chấp nhận vì ở tuyến đường Âu Cơ khó mà tìm được mặt bằng nào diện tích rộng rãi, vị trí thuận lợi hơn.


Mặt bằng nhà phố cho thuê trên nhiều tuyến phố khu Tây Tp.HCM  
tăng giá do nhu cầu tìm thuê cao thời điểm cuối năm

Một năm trở lại đây, nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh trên các tuyến đường khu vực quận Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp tăng đột biến. Hàng loạt chuỗi cửa hàng thực phẩm, nhà hàng thức ăn nhanh, thời trang, café mọc lên với tốc độ chóng mặt, làm thay đổi diện mạo của cả khu vực. Nếu như trước đây khu Nguyễn Sơn, Bàu Cát (Tân Phú), mặt bằng nhà phố đa phần được khách thuê để mở quán nhậu, quán ăn lề đường, café bụi, thời trang tư nhân thì nay khu vực này liên tục mọc lên các chuỗi cửa hàng chi nhánh của những thương hiệu có tiếng thuộc ngành F&B, Juno, Vascara, Mẹ &Bé, SatraFoods…

Anh Phi Long, chủ một căn nhà mặt tiền ở ngã ba Tân Thành, Âu Cơ (quận Tân Phú) cho biết sau khi thương hiệu café Đà Lạt Phố mua lại mặt bằng của một quán cũ thuộc cùng khu vực và sửa sang lại thì khoảng 1 tháng sau, ba bốn quán café lớn khác cũng xuất hiện. Khá nhiều doanh nghiệp liên hệ thuê lại mặt bằng nhà anh để kinh doanh nhưng anh Long chưa đồng ý dù giá thuê được đưa ra cao hơn thời điểm năm trước 20 - 30%. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, mặt bằng bán lẻ, nhà phố trên đường Âu Cơ gia tăng đột biến, có nơi tăng từ 15 – 20%, có nơi tăng từ 20 – 50%.

Ngoài các thương hiệu cà phê lớn như Coffee House, Café Bené, Urban Station khai trương trên các tuyến đường Bàu Cát, Nguyễn Hồng Đào, các doanh nghiệp tư nhân nhỏ cũng mở cửa hàng/ showroom nội thất, khu vui chơi, siêu thị mini, công nghệ … khiến giá thuê biến động liên tục.

Anh Trần Mạnh Hùng, một môi giới mặt bằng cho thuê khu vực Lũy Bán Bích, Thoại Ngọc Hầu (Tân Phú) cho biết, ngày nào anh cũng nhận được yêu cầu tìm thuê mặt bằng kinh doanh khu vực Phú Trung, Phú Thọ Hòa, Sơn Kỳ (Tân Phú). Những căn diện tích lớn thuộc khu Gò Dầu, Bàu Cát Đôi (quận Tân Phú)đã diễn ra tình trạng giằng co, tranh mặt bằng đẹp khiến phí thuê bị đội lên từ 10 -20 triệu so với giá trước đó. Nhà mặt tiền trên tuyến phố này trước đây chỉ có mức giá thuê phổ biến tầm 20 -30 triệu một căn mỗi tháng nay đã tăng lên 40 - 60 triệu căn/tháng. Cá biệt do nhu cầu tìm thuê tăng, một căn nhà mặt tiền đoạn Lê Trọng Tấn, Gò Dầu (Tân Phú) giá có thể lên đến 100 -120 triệu/tháng.

Giá thuê mặt bằng bán lẻ nhà phố ở khu vực  Lũy Bán Bích, Bàu Cát, Nguyễn Sơn, Lê Trọng Tấn thuộc quận Tân Phú, Tp. HCM tăng gấp đôi so với cách đây 2 năm. Nguyên nhân được cho là do các đơn vị bán lẻ, nhất là các thương hiệu ăn uống, thời trang luôn lựa chọn vị trí đắc địa khu này để kinh doanh. Những tuyến đường chính như Phổ Quang, Cộng Hòa, Hoàng Minh Giám (Tân Phú) nhiều vị trí còn tăng đến 100% so với thời điểm 2 năm trước. Mặt bằng tầm 70 -120m2 khu vực gần sân bay Tân Sơn Nhất, Cộng Hòa, CMT8 (Tân Bình) có giá thuê vào khoảng 40 -120 triệu/tháng.

Gò Vấp cũng là một trong những quận có chuyển biến về mặt bằng bán lẻ độc lập nhanh nhất thời gian qua. Trên các tuyến đường Phạm Văn Đồng, Nguyễn Thái Sơn, Phan Văn Trị, Lê Đức Thọ, Hà Huy Giáp, giá thuê mặt bằng nhà phố khu này tăng từ 20% -30% so với thời điểm đầu năm. Không chỉ các ngành hàng F&B, thời trang, cửa hàng tiện lợi, siêu thị bán lẻ mà ngay cả những đơn vị như ngân hàng, địa ốc, y tế, giáo dục, tài chính… cũng đổ về đây tìm thuê mặt bằng đặt văn phòng đại diện kinh doanh.

Bàn về sự gia tăng nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ độc lập tại khu Tây, bà Trang Phạm, Phụ trách bộ phân nghiên cứu thị trường JLL Việt Nam nhìn nhận, thị trường khu Tây vốn không phát triển mạnh bằng khu trung tâm nhưng một năm trở lại đây, hạ tầng phát triển, các đại gia bán lẻ như E Mart, AEON Mall triển khai các trung tâm bán lẻ quy mô lớn tại khu vực Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp kéo theo nhiều thương hiệu bán lẻ tầm cỡ quốc tế đổ về đây. Các dự án BĐS mọc lên rầm rộ, thu hút cư dân sinh sống, thương hiệu bán lẻ phục vụ nhu cầu sinh hoạt, giải trí được triển khai. Sự xuất hiện của hàng loạt thương hiệu bán lẻ mới, các chuỗi  của hàng tiện lợi Vinmart, Family mart, Circle K, B’s mart, chuỗi thức ăn nhanh như Lotteria, KFC, Julibee… ở khu Sơn Kỳ, Phú Thọ Hòa, đoạn gần rạp chiếu phim Galaxy Tân Bình làm nhịp sống khu vực này sôi động, nhu cầu vui chơi mua sắm đa dạng, sức mua tập trung về đây nhiều hơn.

Theo ông Nguyễn Trọng Trinh, Giám đốc công ty tư vấn dịch vụ BĐS Khải Phát, sức nóng của thị trường khu Tây chủ yếu đến từ việc BĐS nhà ở tại khu vực này sôi động lên. Chỉ tính riêng 2 năm nay, số lượng dự án triển khai xây dựng tăng theo cấp số nhân so với thời điểm 2010. Không chỉ có các dự án tầm trung, giá rẻ hướng đến khu Tây như trước đây, hiện nay không thiếu các đại gia trong ngành BĐS như Hưng Thịnh, Novaland, Phúc Khang, Sacomreal đều đẩy mạnh phát triển dự án nhà cao cấp ở khu vực này. Mật độ dân cư tăng, tính chất dân sinh thay đổi, hạ tầng phát triển kéo theo bộ mặt đô thị khang trang và sầm uất hơn. Nhu cầu vui chơi, mua sắm, giải trí tăng giúp sức tiêu thụ của khu vực này tăng mạnh.

Theo số liệu nghiên cứu từ Savills cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, thị trường mặt bằng bán lẻ khu Tây có sự chuyển biến mạnh khi 23% nguồn cung bán lẻ mới tập trung ở khu vực này, trong khi khu trung tâm chỉ có thêm 15% và khu đông là 33%. Việc các trung tâm mua sắm, giải trí đổ về khu vực vùng ven khiến thị trường khu Tây có nhiều cơ hội "thay da đổi thịt" trong thời gian tới.

Phương Uyên
(Theo Tuổi trẻ Online)

Tin tức khác

Top

Góp ý

Chia sẻ